Theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 23-2, Hà Nội có 7.500 ca, Bắc Giang có gần 3.000 F0, Bắc Ninh có khoảng 2.500 ca mắc COVID-19. Số ca nhiễm COVID-19 là công nhân ngày càng tăng khiến nhiều nhà máy phải lên phương án ứng phó với nguy cơ thiếu hụt lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Hà, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bắc Giang, cho biết: "Số ca nhiễm là công nhân trong khu công nghiệp trước Tết ít nhưng đến nay đang tăng lên. Mỗi ngày khoảng vài trăm công nhân".
Để bảo đảm đủ lực lượng lao động khi công nhân là F0 tăng cao, Bắc Giang có nhiều giải pháp như tiêm phủ vắc xin mũi 3, đảm bảo 5K khi vào nhà máy, giao cho doanh nghiệp tự quyết định tần suất xét nghiệm thay vì quy định "cứng" của tỉnh, thành lập trung tâm y tế các khu công nghiệp để phát hiện sớm nguy cơ bùng dịch, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp - việc làm qua các trung tâm việc làm...
"Tỉnh cũng chủ trương F1 không có nguy cơ cao thì vẫn đi làm bình thường, các ca là F0 cũng hồi phục nhanh sau 5 - 7 ngày nên không bị thiếu hụt lao động", ông Hà cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết các doanh nghiệp có nhiều giải pháp để duy trì dây chuyền sản xuất trong bối cảnh F0 là công nhân tăng như chủ động tuyển lao động mới, đảm bảo phòng chống dịch để duy trì số công nhân hiện có, hạn chế thấp nhất số người phải đi cách ly…
"Cạnh tranh về tuyển dụng giữa Bắc Ninh và các tỉnh khác là không thể tránh được. Do đó, ban quản lý cũng như doanh nghiệp đã lên phương án chủ động bổ sung khoảng 25.000 công nhân (cả năm 2022), nhất là lao động phổ thông, lao động kỹ thuật cao như điện tử…", vị này cho hay.
Theo ông Phúc, các nhà khoa học, chuyên gia y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch… cần nghiên cứu người lao động là F1 có nhất thiết phải cách ly 5 ngày hay không. "Nếu cứ phát hiện F1 là cách ly thì chắc chắn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động", ông Phúc dự đoán.
Ông Lê Quang Long - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội - chia sẻ, về cơ bản các doanh nghiệp vẫn đảm bảo sản xuất. Các công ty đã nắm được việc F0 tăng nhanh, từ đó chủ động đưa ra giải pháp, tiết kiệm chi phí so với mô hình "3 tại chỗ", "2 điểm đến 1 cung đường". "Khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cụ thể, ban quản lý sẵn sàng hỗ trợ", ông Long cho hay.
Theo ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lượng F0 tăng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới sản xuất. Nhưng F0 khỏi bệnh nhanh chỉ trong 5 - 7 ngày mà tuyển dụng sẽ dẫn đến dư thừa lực lượng lao động. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.
Hà Quân
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-nhan-mac-covid-19-tang-cao-giai-bai-toan-thieu-hut-lao-dong-the-nao-a2335.html