Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc

Bạn đọc hỏi: Tôi đang làm việc cho nhà máy Z, nhưng hết tháng 1/2022, tôi xin nghỉ việc và đã được chấp thuận. Vậy việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc được thực hiện như thế nào?

quan-nhan-chuyen-nghiep-thoi-viec-duoc-huong-che-do-bao-hiem-xa-hoi-va-cac-che-do-khac-neu-co-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-hien-hanh-1645785059.jpg
Quân nhân chuyên nghiệp thôi việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành

Về việc này, báo Tin tức thông tin như sau:

Theo Điều 3 của Nghị định số 19/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 22/2/2022 Quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định như sau:

1. Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.  

2. Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.  

3. Thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 1 năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực như sau:  

a) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này, đồng thời phải hoàn trả khoản trợ cấp một lần quy định tại khoản 2 Điều này và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.  

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi quyết định thôi việc và các khoản trợ cấp nêu trên; ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngành; nộp các khoản trợ cấp đã thu vào ngân sách nhà nước và tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định.

b) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nộp vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định. Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này.  

c) Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc đã sáp nhập hoặc giải thể thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định này.

d) Thời gian công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc về địa phương không được tính là thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội.

V.T

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/che-do-chinh-sach-doi-voi-cong-nhan-va-vien-chuc-quoc-phong-thoi-viec-a2334.html