Công nhân thấp thỏm mong được tăng ca

Bước vào những tuần đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công nhân vẫn chỉ làm giờ hành chính, không được tăng ca. Họ lo lắng, năm nay thu nhập lại giảm so với với năm cũ...

khu-cong-nghiep-thang-long-1645591726.jpg
Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội)

Từ lâu chưa được “nếm mùi” tăng ca

Quay lại thành phố từ ngày mùng 7 Tết (7.2), nhưng đến ngày 11.2, chị Trần Thị Minh - công nhân công ty về linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) mới được đi làm trở lại vì trước đó dây chuyền tạm ngưng sản xuất. Đầu năm, công ty ít việc nên hầu như chị Minh chỉ làm 6-8 tiếng. Chị Minh cho hay: “Từ tháng 6.2021 đến nay chưa được “nếm mùi” tăng ca, đợt cuối năm có chăng 1 tuần 1-2 buổi được làm bù giờ cho những công nhân F0”.

Ra Hà Nội làm công nhân từ khi 20 tuổi, nay bước sang tuổi 28, chị Minh đã có 2 người con. Chồng và các con đều đang sống ở quê Phú Thọ. Xa gia đình trong thời gian khá dài, chị Minh dự định năm 2022 sẽ đón các con lên, chồng chị cũng xin đi làm công nhân để cả gia đình được đoàn tụ.

Song số ca nhiễm ngày càng tăng, trường mẫu giáo chưa được mở cửa, tiền lương eo hẹp khiến tâm trạng của người mẹ 2 con thêm rối bời.

Năm 2021, những ngày được đi làm thêm giờ hay tăng ca chị Minh đều nhớ rất rõ vì số lượng không nhiều.

Bắt đầu năm mới, chị Minh hy vọng khấm khá hơn, chỉ mong được tăng ca để thu nhập nhích thêm 1-2 triệu đồng. Chị Minh hiểu, khó khăn vẫn sẽ hiện hữu vì nhóm công nhân như chị hầu như bị cắt hết sản lượng, chỉ ăn lương cơ bản và trợ cấp.

Chị Minh nói: “Với tình hình hiện nay, tôi không tự tin để đón con lên ở cùng”. Chị Minh tính toán, tiền thuê trọ hiện nay khoảng 800.000 đồng, sinh hoạt phí 1,8 triệu đồng, mỗi tháng gửi về cho con ít nhất 2 triệu đồng - đây là các khoản thiết yếu, cố định chưa tính các khoản phụ khác. Với mức lương dao động 7 triệu đồng/tháng, chị Minh sốt ruột, sợ rằng năm 2022 như năm cũ, không để dành được đồng nào.

Không có thu nhập nào khác

Anh Đỗ Văn Hiếu (quê ở Thanh Hoá) - bắt đầu làm công nhân từ khi 25 tuổi, anh nói “học vấn chỉ hết lớp 9, muốn kiếm việc có thu nhập tốt hơn cũng khó”. Nỗi lo giảm thu nhập do không được tăng ca như của anh Hiếu cũng là tâm trạng chung của nhiều công nhân tỉnh lẻ. Bởi xa quê đi làm, sau lưng họ còn cả gia đình, họ cũng không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài việc đi làm ở công ty.

Anh Hiếu là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long đã 7 năm nay. “Năm 2021 thật khắc nghiệt vì tổng kết 1 năm không để ra được đồng nào” - anh than thở.

Nhớ lại đầu năm 2021, khi Hà Nội giãn cách xã hội, công việc của anh Hiếu bị ảnh hưởng khá nhiều. 3-4 tháng liên tiếp, thu nhập của anh giảm đi một nửa vì công ty cho giãn việc, ngưng việc. Khi đó, anh phải gửi 2 con về quê nhờ ông bà nội trông nom. Còn anh và vợ tiếp tục ở lại khu công nghiệp mưu sinh.

Vớt vát lại được những tháng cuối năm 2021, người đàn ông 32 tuổi này hầu như làm việc 12 tiếng/ngày; vào thứ bảy, chủ nhật, anh cũng đăng ký làm thêm để hưởng lương gấp đôi. Công việc chiếm gần hết thời gian nhưng ông bố 2 con rất vui vì có việc làm, tiền lương cũng tăng đáng kể.

Sau Tết Nhâm Dần, quay lại với công việc từ ngày 8.2, anh Hiếu không còn được tăng ca. Anh cũng đang lo lắng tình trạng giãn việc sẽ lặp lại. Khi đó, gánh nặng dồn lên vai anh ngày càng nhiều.

“Tôi hy vọng mình có nhiều sức khoẻ, công việc, thu nhập ổn định. Nếu không tôi khó bám trụ lại thành phố” - anh Hiếu chia sẻ.

Minh Hương

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-nhan-thap-thom-mong-duoc-tang-ca-a2254.html