Được biết, để đảm bảo đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết 7c, hàng năm Tổng LĐLĐVN đã giao chỉ tiêu và các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS đối thoại, thương lượng để điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng hoặc cao hơn 15.000 đồng/bữa.
Các cấp công đoàn đã tăng cường tuyên truyền về bữa ăn ca của NLĐ với các hình thức như phối hợp với đài phát thanh, truyền hình, báo chí, phát trên mạng xã hội các chuyên mục, phóng sự về an toàn thực phẩm, bữa ăn ca, giới thiệu các gương điển hình thực hiện tốt bữa ăn ca; phát hành tờ rơi, tờ gấp; tư vấn lưu động, tọa đàm tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp có đông lao động.
Trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ, các CĐCS đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp đối thoại và tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo chất lượng; tham gia giám sát quy trình mua, chế biến thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; khám sức khỏe định kỳ đối với NLĐ làm công tác phục vụ tại bếp…
Công tác thương lượng tập thể về nội dung bữa ăn ca được quan tâm, thực hiện. Đối với cơ sở, đề xuất nội dung thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể (sửa đổi, ký lại, ký mới) với giá trị bữa ăn ca tối thiểu từ 15.000 đồng trở lên; không tính chi phí nhân công, vận chuyển, chất đốt… trong giá trị bữa ăn ca; công đoàn đứng ra tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn ca.
Đối với các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp, ngành, 100% các bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp đều có nội dung bữa ăn ca của NLĐ và giá trị tối thiểu từ 15.000 đồng trở lên; TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam lần thứ 5 được ký kết trong năm 2021 với nội dung bữa ăn ca tăng 2.000 đồng (giá trị bữa ăn chỉ tính chi phí thực phẩm, không tính các chi phí khác).
Việc tổ chức bữa ăn ca đã có nhiều mô hình hay, thiết thực, mang lại hiệu quả như đảm bảo 1 khẩu phần ăn có món mặn, món xào, món canh và món tráng miệng; quan tâm đến NLĐ ăn chay; hỗ trợ thêm bữa ăn trong ngày làm việc (trưa, chiều); thành lập Hội đồng Căngtin để giám sát, kiểm tra, tư vấn thực đơn hàng ngày; lập nhóm Zalo giới thiệu hình ảnh, suất ăn có chất lượng, chia sẻ các bản TƯLĐTT có nội dung về bữa ăn ca; mô hình “Công đoàn tham gia đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca trong doanh nghiệp”.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c, đã có 37.628 doanh nghiệp có CĐCS thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, đạt tỷ lệ 81,56% tổng số doanh nghiệp đã thành lập CĐCS (tăng 15.862 doanh nghiệp, tăng tương đương 1,72 lần so với năm 2016), với 5.290.834 NLĐ được hỗ trợ bữa ăn ca (tăng 1.011.436 người so với năm 2016). Có 35.202 doanh nghiệp thực hiện giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên, đạt 93,55% (tăng 19.936 doanh nghiệp, tăng tương đương 2,36 lần so với năm 2016). Giá trị bữa ăn ca phổ biến tại các doanh nghiệp từ 16.000 đồng đến 20.000 đồng/suất ăn.
Cùng với đó, số lượng các bản TƯLĐTT có nội dung bữa ăn ca của NLĐ cũng tăng lên đáng kể. Đến nay, đã có 21.457 bản TƯLĐTT được ký kết có nội dung bữa ăn ca, chiếm 57,07% tổng số bản TƯLĐTT đã ký kết, trong đó 94,03% các bản TƯLĐTT có giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên (tăng 8.545 bản, tăng tương đương 1,66 lần so với năm 2016).
Hà An
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hon-5290800-nguoi-lao-dong-duoc-ho-tro-bua-an-ca-a2142.html