Sau Tết, Công ty cổ phần Taekwang Vina đóng ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) cần tuyển 5.000 công nhân. Ngoài đảm bảo thu nhập mỗi tháng cho người mới khoảng 7,5 triệu đồng, nhà máy tăng thêm hàng loạt chương trình thưởng, hỗ trợ với tổng chi phí cho một lao động mới gần 15 triệu đồng.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay năm ngoái nhà máy dừng hoạt động 3 tháng, đơn hàng bị chậm. Khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp phải dốc sức để phục hồi sản xuất. Quy mô hoạt động của nhà máy năm 2022 dự kiến khoảng 42.000 công nhân.
"Tốn bao nhiêu cũng phải chi để có đủ số lượng lao động đề ra", ông Phúc nói. Mỗi công nhân trực tiếp đến nhà máy nộp hồ sơ hoặc được các trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh như Gia Lai, Đăk Lăk... giới thiệu đến nhận việc được hỗ trợ 2-3 triệu đồng. Trong năm đầu tiên, mỗi tháng, ngoài thu nhập chính nhà máy thưởng thêm 400.000 đồng, số tiền này giảm còn 200.000 đồng ở năm tiếp theo. Ngoài ra, lao động mới còn nhận khoản hỗ trợ nhà trọ 3,6 triệu đồng.
Không chỉ thưởng tiền, nhà máy Taekwang Vina còn hỗ trợ vé xe, tổ chức ôtô đưa đón lao động từ các tỉnh về công ty ứng tuyển. Bộ phận nhân sự chuẩn bị các phòng trọ, có sẵn đồ dùng thiết yếu để công nhân mới đến ở. Theo ông Phúc, tổng kinh phí cho đợt tuyển dụng này khoảng 100 tỷ đồng.
Cùng hoạt động trong ngành da giày, Công ty Việt Nam Samho ở huyện Củ Chi (TP HCM) dự kiến chi hơn 35 tỷ đồng thưởng cho 1.500 công nhân mới. Khi ký hợp đồng, lao động nhận ngay 2,4 triệu đồng, sau hai tháng làm việc được thưởng một triệu đồng. Ở các mốc 4 tháng, 7 tháng tiếp theo, công nhân sẽ nhận 700.000 đồng. Ngoài ra, nhà máy còn có tiền thưởng gắn bó suốt 4 năm với tổng số tiền hơn 19 triệu đồng, được chia đều và trả vào kỳ lương mỗi tháng.
Ông Đỗ Trương Hoàng Phúc, Trưởng phòng Nhân sự công ty, cho hay ngoài thưởng người mới, đảm bảo thu nhập mỗi tháng 6-8 triệu đồng, công nhân sẽ được ký hợp đồng chính thức ngay sau khi phỏng vấn. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, hưởng đủ lương mà không cần qua thử việc.
Chi hàng tỷ đồng với hàng loạt mục thưởng cho công nhân mới là cách nhiều nhà máy ở các tỉnh phía Nam áp dụng để thu hút nhân sự. Bà Trần Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, cho hay đến ngày 15/2 có khoảng 140 doanh nghiệp đăng ký tuyển hơn 13.000 lao động, trong đó trên 50% hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày.
"Lao động phổ thông đang bị cạnh tranh gay gắt, có những thời điểm khan hiếm, rất khó tuyển. Do đó, các nhà máy tăng nhiều chính sách thưởng thu hút người mới", bà Trâm nói.
Theo ghi nhận của trung tâm, có nhà máy còn chuẩn bị sẵn bữa tối để khi tan ca công nhân mang về dùng. Nhiều doanh nghiệp còn lì xì ngay 50.000 đồng khi ứng viên đến phỏng vấn, số tiền này tăng lên 500.000 đồng khi lao động thử việc, ký hợp đồng. 6 tháng đầu, nhà máy còn hỗ trợ tiền hội nhập, thưởng gắn bó, nhà trọ lên đến hàng triệu đồng.
Ngay sau Tết, tại TP HCM, Bình Dương nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp bao gồm tuyển mới và bù đắp công nhân hồi hương, không trở lại sau Tết vào khoảng 90.000 lao động.
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương), cho rằng các nhà máy đang ra sức kéo lao động nhằm gấp rút hoàn thành các đơn hàng. Từ các chính sách này, công nhân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn do ngoài lương họ có thêm một số khoản phúc lợi, góp phần tăng thu nhập.
Tuy nhiên, theo ông Đạt các chính sách thưởng tuyển dụng chỉ giải quyết thiếu hụt lao động trước mắt. Về lâu dài, để giữ được chân công nhân nhà máy cần duy trì các chính sách đãi ngộ, đảm bảo thu nhập, cam kết duy trì việc làm. Thực tế, không ít công nhân đã "nhảy" việc khi các chương trình thưởng kết thúc.
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất chi 6.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ công nhân thuê nhà, gắn bó lâu dài với nhà máy. Cụ thể, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp mỗi tháng sẽ nhận 500.000 đồng, lao động mới được giúp đỡ mỗi tháng một triệu. Chính sách hỗ trợ kéo dài trong ba tháng.
Lê Tuyết
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nha-may-chi-tien-ty-thuong-cong-nhan-moi-a2091.html