Nhiều lý do để nghỉ việc
Chị Nguyễn Thị Vy (30 tuổi) tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành quan hệ công chúng của một trường đại học ở Hà Nội. Vừa ra trường, cô gái trẻ xin vào làm cho một công ty truyền thông với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng.
Sau 5 năm làm việc ở đây, chị Vy cho biết, thu nhập không tăng nhiều, trong khi cơ hội phát triển bản thân rất hạn chế. Để tìm lại cảm hứng trong công việc cũng như tìm nơi có mức lương hấp dẫn hơn, ngày 10.2, chị Vy quyết định xin nghỉ việc.
“Hiện, tôi đang nộp đơn xin việc vào công ty bất động sản. Thấy tôi “nhảy việc”, một số bạn bè ủng hộ và họ cũng có tâm lý giống như tôi” - chị Vy cho hay.
“Dự định nghỉ việc từ trước Tết nhưng tôi quyết định sau Tết mới nộp đơn nghỉ vì tiền thưởng Tết là khoản tôi trông chờ” - anh Nguyễn Văn Hải - nhân viên văn phòng của một công ty về thương mại điện tử chia sẻ.
Anh Hải gắn bó ở công ty được 8 năm, anh cho biết, lý do chính rời công ty vì không còn thấy vui khi làm việc ở đây.
“Đồng nghiệp ai cũng hoà đồng, sếp quản lý trực tiếp khá tốt nhưng mỗi ngày đến công ty tôi cảm thấy chán nản, không còn hứng thú trong công việc. Tôi muốn tìm môi trường khác để làm việc, coi như thử thách bản thân” - anh Hải nói.
Người lao động nghỉ việc cần báo trước bao lâu?
Trao đổi về vấn đề người lao động xin nghỉ việc sau Tết, ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Trà Cozy - cho biết, trên thực tế, ở công ty nào cũng sẽ có những người lao động nghỉ việc sau Tết Nguyên đán nhưng không nhiều. Sau Tết Nguyên đán năm 2022, công ty này có 12 người nghỉ việc. Đây là những lao động có thâm niên thấp, chủ yếu làm công nhân sản xuất.
So với gần 500 công nhân đang làm việc tại công ty thì con số lao động nghỉ việc ở trên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lê Tuấn Anh, với những nhân sự làm vị trí quản lý thì rất ít khi nghỉ việc vì họ đã gắn bó nhiều năm với công ty. Theo khảo sát, tỉ lệ người lao động có thâm niên từ 5-10 năm tại đây khoảng 87%, luôn giữ tỉ lệ cao. Về việc lao động nghỉ việc, “ra vào” ở mỗi công ty đều không thể tránh khỏi trong năm.
Sau khi lao động nghỉ việc, công ty trên thường có một biểu mẫu phỏng vấn. Ở đây, người lao động sẽ ghi rõ những lý do xin nghỉ. Từ đó, phía công ty có những tiếp thu.
“Đối với công nhân xin nghỉ, lý do họ ghi rất đơn giản là bận việc gia đình” - ông Tuấn Anh nói.
Nhận định về việc thiếu hụt lao động sau Tết, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, đến thời điểm này, có thể dự báo, trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể. Điều này thể hiện qua việc số lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 trên địa bàn Hà Nội giảm hơn so với các năm trước gần 20.000 lượt người.
Theo đó, Trung tâm đẩy mạnh thông tin dự báo thị trường lao động, kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt với lao động đang hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, hỗ trợ họ quay trở lại thị trường lao động. Theo ông Vũ Quang Thành, sau Tết, các doanh nghiệp cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới.
Bà Vũ Thuỳ Trang - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe - cho hay, theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động muốn nhảy việc trước khi hết hạn hợp đồng cần thực hiện thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động biết để tránh vi phạm luật lao động.
Với những ngành, nghề, công việc thông thường, người lao động phải báo trước: Tối thiểu 45 ngày: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Tối thiểu 30 ngày: Hợp đồng lao động từ 12 - 36 tháng; Tối thiểu 03 ngày làm việc: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Trong khi đó, với các ngành, nghề, công việc đặc thù, Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ thời hạn báo trước như sau: Tối thiểu 120 ngày: Hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên; Tối thiểu ¼ thời hạn hợp đồng: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhieu-lao-dong-chuyen-viec-sau-tet-tim-co-hoi-moi-a2057.html