Sinh ra và lớn lên ở làng quê, không đành lòng trước cảnh được mùa mất giá, anh Lương Văn Trường đã quyết định vào Trường ĐH Đà Lạt theo học ngành công nghệ sau thu hoạch và tốt nghiệp năm 2011. Với mong muốn ứng dụng kiến thức để giúp đỡ bà con nông dân, anh tham gia dự án quốc gia 600 phó chủ tịch xã trẻ và trở thành Phó chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, H.Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai (nay là xã Lùng Thẩn, H.Si Ma Cai). Từ năm 2012 - 2016, anh nhận nhiệm vụ phụ trách nông lâm nghiệp của địa phương.
Tại đây anh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế - xã hội được cán bộ và nhân dân ghi nhận như: mô hình du lịch tham quan hoa tam giác mạch kết hợp trải nghiệm du lịch bản địa quy mô 20 ha với doanh thu cho địa phương hơn 500 triệu đồng; mô hình biogas túi ủ biến chất thải chăn nuôi thành khí gas sinh học và cải thiện vệ sinh môi trường cho 20 hộ gia đình; mô hình phát triển trồng cây mận Tả Van bản địa tại xã, quy mô 10 ha…
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong dự án 600 phó chủ tịch xã, anh quyết định về quê hương Nam Định để lập nghiệp. “Tôi vốn đam mê ngành nông nghiệp. Thời điểm đó, ở Nam Định bắt đầu có trào lưu công nghiệp hóa, nông dân bỏ đồng ruộng vào nhà máy làm để có thu nhập cao hơn. Diện tích đất trồng lúa và nông nghiệp bị bỏ hoang rất nhiều. Vì vậy, tôi quyết định về quê làm ruộng”.
Sáng kiến trị giá 3.000 tỉ đồng
Tuy nhiên, bắt tay vào sản xuất quy mô lớn ngay từ ban đầu nên anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm toàn bộ diện tích lúa bị mất trắng do mưa nhiều, nước không thể tiêu thoát kịp, hay sản xuất hữu cơ nhưng không có cách kiểm soát địch hại. “Vụ mùa 2018 mưa nhiều, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết; ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. Tôi mất trắng 4 - 5 tấn giống, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng”, anh Trường nhớ lại.
Nhưng cũng từ thất bại đó, anh đã tìm cách xử lý kéo dài thời gian bảo quản hạt giống và đã cho ra đời quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn. Quy trình này đưa hạt giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông (hạt giống nảy mầm rồi được đưa về dạng khô, chịu lực va đập tốt), để nông dân dễ dàng sử dụng mà không bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt giống truyền thống. Khi sử dụng không cần ngâm ủ mà mang gieo trực tiếp, hạt giống sẽ trở lại trạng thái nảy mầm trong 30 phút. Quy trình đã được Chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG; được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế tháng 2.2021.
Theo anh Trường, sáng kiến này đã được các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp như PGS-TS Mai Quang Vinh, Viện Di truyền nông nghiệp; chuyên gia nông nghiệp Coen ter Berg của tổ chức PUM (Hà Lan) đánh giá cao.
“Trên thị trường Việt Nam và cả trên thế giới hiện nay chưa có các sản phẩm tương tự. Hạt giống được nảy mầm sẵn, sau đó bảo quản và đưa ra thị trường. Người dùng chỉ cần để trong nước 15 phút là hạt giống đã nảy mầm”, anh Trường cho biết.
Theo tính toán của anh Trường, quy trình có chi phí sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi nếu người nông dân ngâm ủ hạt mầm tươi thì chi phí cho 1 kg (gồm công, vật tư, nước, điện…) phải mất tối thiểu 10.000 đồng. Hiện Việt Nam trồng khoảng 7 triệu ha lúa, với khoảng 700.000 tấn giống mỗi năm. Nếu thức hiện theo quy trình này sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỉ đồng cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời còn giúp tiết kiệm hàng triệu công lao động mỗi mùa vụ.
Trong quá trình làm nông nghiệp, anh đã đưa ra các giải pháp như: Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống quy mô lớn tiết kiệm nước; Máy chăm sóc lúa đa năng 3 trong 1 tiết kiệm nước; Quy trình trồng lúa không cày bừa cho vụ hè thu; Thiết bị hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm nước tích hợp vào bình phun vác vai có sẵn; Ứng dụng tinh dầu sả Java trong phòng trừ sâu hại trên cây lúa và rau màu…
Sẽ đưa công nghệ ra thế giới
Một trong các sáng chế của anh là Quy trình sản xuất gạo mầm tươi dinh dưỡng và đã cho ra đời sản phẩm duy nhất độc quyền trên thị trường, được thương mại hóa từ tháng 6.2021. “Từ công nghệ sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn, tôi đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi, một sản phẩm rất giàu dinh dưỡng. Gạo mầm của tôi là hạt tươi chứ không phải hạt “chết” như những sản phẩm cùng loại, vì thế dinh dưỡng trong hạt gạo được bảo tồn, nhiều hơn. Hiện sản phẩm đã được cung cấp cho thị trường TP.HCM và một số tỉnh phía nam”, anh Trường cho biết.
Nói về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Trường kể: “Từ một nông trại đơn lẻ, chúng tôi đã liên kết, tập hợp những người cùng chí hướng, cùng đam mê thành lập một hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất. HTX thanh niên Nam Đại Dương được thành lập từ đầu năm 2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn thách thức trăm bề. Với tinh thần “Thanh niên Nam Định vươn ra biển lớn” như ý nghĩa trong cái tên HTX, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua thách thức, đón các cơ hội từ khó khăn và sẽ đưa công nghệ ra thế giới”.
Quy mô sản xuất toàn HTX hiện nay là 21 ha với 7 thành viên sáng lập. Anh Trường đã thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất 4 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. Năm 2021 doanh thu của HTX lên tới 3 tỉ đồng và lợi nhuận đạt tới 1 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 50 -70 lao động.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chang-ky-su-nam-dinh-voi-sang-kien-tiet-kiem-3000-ti-dong-a2028.html