Sau khi rời bỏ chiếc áo lính trở về địa phương, ông Nguyễn Hồng Châu, thương binh hạng 4/4 không chỉ là một người sống có ích cho xã hội mà còn là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Ông đã tạo công ăn việc làm cho 10 lao động có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.
Chúng tôi ghé thăm nhà cựu chiến binh Nguyễn Hồng Châu, sinh năm 1959 tại phường Hương Hồ, thành phố Huế. Dù đang bộn bề công việc tại xưởng mộc mỹ nghệ nhưng ông đã đón tiếp chúng tôi với một tấm lòng hiếu khách. Và tất cả chúng tôi càng trở nên say sưa với những câu chuyện ở chiến trường K mà ông đang tại hiện lại.
Ký ức màu áo lính và đám cưới thiếu chú rể
Lúc bấy giờ cũng như bao người con trai khác cùng trang lứa, anh Nguyễn Hồng Châu đã tạm gác lại bao ước mơ và hoài bão để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, tại biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Khơ-me Đỏ do Pônpôt, Iengsari, Khieusamphon lãnh đạo đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh chống lại nước ta và tiến hành nạn diệt chủng dân tộc Khơ-me trên toàn đất nước Campuchia. Vì bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cũng như tình hữu nghị của hai nước, năm 1978, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hồng Châu viết đơn tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ Quốc tế ở chiến trường K và được biên chế vào Sư đoàn 339 Quân đoàn 4 chiến đấu ở nước bạn Campuchia. Trong cuộc giao tranh ác liệt với quân Khơme Đỏ, anh đã bị thương nặng và được đồng đội cứu sống.
Giữa chiến trường mưa bom, đạn nổ ác liệt, không lúc nào anh không khỏi nhớ về quê hương, gia đình và người mà anh thương với mối tình hẹn ước đã nhiều năm. Vào những năm 1980, khi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường CamPuchia thì hai gia đình đã đồng ý tổ chức đám cưới cho anh. Ngày vui nhất của anh cũng là ngày anh không có mặt và vợ của anh cũng đã làm cô dâu khi không có chú rể bên cạnh. Lúc đó, anh mong sao Pnôm Pênh sớm được giải phóng, hòa bình sớm được lập lại ở Campuchia để anh được trở về đoàn tụ với gia đình.
Bước đầu lập nghiệp và những thành công
Năm 1982, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về quê hương, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Hồng Châu cho rằng chỉ có làm kinh tế giỏi mình mới “tàn” nhưng không “phế”. Và hơn tất cả là anh muốn làm tròn trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha và một công dân có ích cho xã hội. Bước đầu lập nghiệp, một thương binh như anh đã gặp không ít khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” anh đã nỗ lực hết mình. Để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 4 người con đang theo học, anh đã phải làm nhiều công việc để mưu sinh mà không phải ai như anh cũng làm được, từ làm nông, buôn gỗ, buôn mây, chổi đót, mở xưởng của gỗ…
Mồ hôi và nước mắt của anh đã được đền đáp khi những thành công mà anh gặt hái được từ xưởng mộc mỹ nghệ được xây dựng vào năm 1993. Quả thật anh cũng không nghĩ là có lúc anh đạt được những thành quả như thế này. Bởi lẽ, khi mới lập xưởng gỗ anh cũng đối diện với nhiều khó khăn như thiếu vốn để đầu tư máy móc, trả tiền nhân công lao động, hàng hóa sản xuất ra phải tìm nguồn tiêu thụ… Nhưng với bản chất người lính anh đã không ngại khó khăn. Ban đầu, xưởng của anh chỉ vài ba công nhân nhưng đến nay cơ sở của anh đã giải quyết cho 10 lao động với số tiền từ 8-10 triệu đồng mỗi tháng. Hiện tại, xưởng mộc mỹ nghệ của anh sản xuất nhiều sản phẩm như tủ thờ, tủ áo quần, bàn ghế các loại… Với những gì làm được đã góp phần tăng thu nhập cho gia đình anh từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng. Không những thế, cơ sở của ông đã tạo con em địa phương đến học nghề thợ mộc, thợ PU… Bên cạnh đó, anh còn mở thêm quầy tạp hóa, mở siêu thị ở huyện A Lưới. Hiện nay sản phẩm của ông được các đại lý thu mua từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Phú Yên.
Trong 4 người con của anh, có 2 người học xong đại học và 2 người có công việc ổn định. Dù ở những giai đoạn khó khăn nào của cuộc đời, anh vẫn giữ được bản chất của người lính, sống đàn hoàng và tấm gương cho các con cháu noi theo.
Những năm qua anh là Trưởng ban liên lạc quân tình nguyện của Sư đoàn 339 tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng chiến đấu tại Campuchia, một năm gặp một lần tại gia đình anh, có năm anh mời cả đồng đội trong đơn vị đến từ tỉnh Quảng Trị… anh cũng cho biết thêm nhân kỷ niệm Ngày Thương Binh- Liệt sỹ, anh đang Giấy mời đồng đội cũ gặp mặt ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa và tri ân đồng đội đã hy sinh.
Hoàng Tăng Phái (Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguoi-cuu-binh-mo-loi-cho-nguoi-ngheo-a202.html