Thị trường lao động khan hiếm sau dịp Tết Nguyên đán

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường lao động tại nhiều địa phương đang dần phục hồi, doanh nghiệp ra sức tuyển dụng lao động để khôi phục sản xuất. Nhiều ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc, giày da, dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú, kho bãi.

Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhân lực sau Tết đáp ứng được 85% nhu cầu doanh nghiệp. Bộ trưởng đánh giá nhờ dự báo sớm, cảnh báo sớm nên không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, và tạo ra được một thị trường lao động tương đối ổn định. Hiện thị trường lao động trong nước đang phục hồi khả quan.

nlntv-may-2-1644715488-1644798590.jpg
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Thông tin về thị trường lao động sau Tết Nguyên đán, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong những ngày gần đây, có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với gần 1.000 vị trí việc làm. Trong đó, các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lớn như cơ khí, may mặc, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe... Mức lương giao động từ 7-15 triệu đồng/tháng.

Theo ông Vũ Quang Thành, ngay trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thị trường lao động chưa thể sôi động trở lại ngay, dự báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tháng Hai này.

"Lao động tại các khu công nghiệp quay lại làm việc chiếm tỷ lệ khá cao, do đó không có tình trạng thiếu hụt lượng lớn lao động sau Tết. Những doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau Tết chủ yếu nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng sản xuất", ông Thành cho hay.

Còn theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng, hiện nay, việc tìm người lao động cho doanh nghiệp đang là vấn đề khó khăn của Trung tâm khi số người đến tìm việc rất ít trong khi nhu cầu cần lao động khá lớn, đối tượng lao động là người trẻ tới tư vấn tìm việc hầu như không có. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tăng cường kết nối, mời gọi lao động, mời gọi doanh nghiệp, phối hợp với các quận, huyện tổ chức chương trình hội nghị tuyên truyền về giải quyết việc làm. Trong tuần này, Trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Còn tại TP.HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, sau khi thành phố áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt vừa thích ứng với tình hình mới, vừa đảm bảo chống dịch, trong đó, việc sử dụng mạng xã hội, các nền tảng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến được tăng cường nhằm giới thiệu việc làm cho người lao động. Cùng với đó, thời điểm sau Tết phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh quay lại thành phố sau khi tình hình dịch đã ổn định và sau thời gian về quê ăn Tết, thị trường lao động sau Tết tiếp tục có những chuyển biến tích cực, sôi động trở lại.

Với những hoạt động chăm lo Tết của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp về lương, thưởng, phúc lợi và tổ chức cho người lao động về quê ăn Tết, cùng với nhu cầu ở lại Thành phố trong những ngày Tết đã góp phần ổn định thị trường lao động sau Tết.

Dự kiến, nhu cầu của các doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán cần khoảng 44.800 đến 600.000 chỗ làm việc, tập trung vào các ngành như: Dệt may, giày da, chế biến lương thực phẩm, cơ khí, thông tin truyền thông, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và các hoạt động liên quan đến kinh doanh bất động sản, dịch vụ bảo vệ".

Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%. Các nhóm nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao  như kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử./.

Lê Pháp (T/h)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thi-truong-lao-dong-khan-hiem-sau-dip-tet-nguyen-dan-a1990.html