Gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động ổn định cuộc sống

Việc triển khai gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động ổn định cuộc sống, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh diễn biến phức tạp.

Để người lao động ổn định cuộc sống

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều chất vấn kết quả cũng như những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP về triển khai hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BH thất nghiệp.

Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp, địa phương mới nhận thấy vai trò đích thực và tính cấp thiết của lao động nhập cư. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, để họ không được coi là công dân hạng 2, những điều cần quan tâm nhất trong xác định chính sách hỗ trợ là gì?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Về thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu người lao động, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Cơ quan BHXH các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 375.861 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 11.868.907 người lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Trong đó, có 343.157 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 11.366.801 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.289.332 người. Có 28.038 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

nlntv-2688dae191c497bc9f43c006caaf1866-1644723616.png
Việc triển khai gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động ổn định cuộc sống

BHXH các cấp cũng giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.201.710 người lao động (11.338.951 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 862.759 người lao động đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ trên 28.966 tỷ đồng và đa số chi trả qua tài khoản cá nhân.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP, BHXH các địa phương gặp vướng mắc về việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh và Trung ương, tổ chức xã hội như Trung tâm Giao lưu văn hoá… có thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định hay không?

Ngoài ra, một bộ phận người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp di chuyển về các địa phương sau đợt dịch thứ 4 thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin về chính sách để chủ động liên hệ với cơ quan BHXH địa phương.

Do vậy, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát để hỗ trợ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và người lao động đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập không được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên theo quy định; Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát đối tượng là người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hưởng chính sách hỗ trợ này.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất

Đối với giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và việc làm: Chính sách tài khoá (giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thu một số khoản phí, lệ phí); Chính sách hỗ trợ tín dụng (hỗ trợ giải ngân, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất); Các gói tín dụng cho vay ưu đãi; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chính sách an sinh xã hội để giúp doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động.

Cụ thể, ngành BHXH đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, giảm các khoản đóng quỹ Công đoàn; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Vay vốn không lãi suất để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.

nlntv-25c60145c4b1f09f5f4637e1a0a682ec-1644723668.jpg
Gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp

Về giải pháp giúp doanh nghiệp thực hiện duy trì việc làm, “giữ chân người lao động” gồm: Nỗ lực phòng chống dịch, bảo đảm an toàn, bảo đảm duy trì việc làm với chính sách “tại chỗ” và di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, cùng các hình thức khác phù hợp với từng doanh nghiệp để duy trì việc làm; Thực hiện các chế độ bảo đảm an toàn phòng chống dịch để người lao động yên tâm sản xuất kinh doanh.

Đối với người lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc người lao động không thực hiện làm việc mà về quê, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm giữ chân người lao động như: Chủ động giữ thông tin liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động.

Đồng thời thực hiện các chế độ hỗ trợ người lao động (trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương), nhiều doanh nghiệp đảm bảo chế độ cao hơn pháp luật quy định và cố gắng tìm các giải pháp để không chấm dứt quan hệ lao động như dùng biện pháp ngừng việc có trả lương hoặc nếu thời gian quá dài mà phải tạm hoãn/nghỉ việc không lương thì vẫn duy trì đóng BHXH để giữ chân người lao động.

Ngoài ra, điều tiết thị trường lao động ở cấp quốc gia và từng địa phương (sinh viên các trường nghề, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự); Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, nhất là các gói hỗ trợ an sinh xã hội khẩn cấp... nhằm thực hiện “mục tiêu kép”; Hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4…

THANH TÙNG

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/goi-ho-tro-tu-quy-bao-hiem-that-nghiep-giup-nguoi-lao-dong-on-dinh-cuoc-song-a1980.html