Thời điểm này những năm trước, sau khi ăn Tết với gia đình, Võ Văn Sỹ (trú tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) lại khăn gói đón xe vào TPHCM để làm việc. Mới hơn 18 tuổi nhưng Sỹ có đến 3 năm xa nhà làm công nhân may. Năm 2021, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nơi Sỹ làm việc đóng cửa, không trụ được ở thành phố, Sỹ thất thểu trở về quê. Hoàn thành quá trình cách ly, em đi xin việc thì được nhận vào một công ty may ở gần nhà.
Khi nhận vào làm việc, Sỹ có tay nghề nên được công ty bố trí ở chuyền may đồ xuất khẩu. Lương bình quân của Sỹ từ 3 - 6 triệu đồng/tháng, không cao nhưng với em khởi đầu như vậy là ổn. Sỹ mong muốn, dịch COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến các đơn hàng của công ty và em sẽ rèn luyện nâng cao tay nghề để làm tốt hơn, nâng cao thu nhập và không phải rời quê để kiếm việc làm nữa.
Cũng như Sỹ, tháng 8.2021, khi trở về quê vì dịch, chị Phạm Thị Thiếp (trú tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) xin vào làm việc tại công ty may ở huyện Cam Lộ. Thiếp cho biết: “Tìm được một công việc ngay trên quê hương, gần gia đình, người thân là ước muốn lớn nhất của em. Với những kinh nghiệm tích lũy được sau thời gian làm công nhân may tại TPHCM, em sẽ gắn bó và cống hiến để góp sức đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển”.
Không phải mưu sinh nơi đất khách như Sỹ, như chị Thiếp, nhưng dịch COVID-19 khiến Lê Văn Kiên - Công nhân lao động Công ty CP Du lịch Mê Kông (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) phải ngừng việc dài ngày. Công ty nơi Kiên làm việc hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ngừng hoạt động dài ngày khiến các lao động phải nghỉ luân phiên, đời sống rất khó khăn. Đầu xuân 2022, công ty trở lại hoạt động sau một thời gian dài cầm chừng, Kiên vui mừng, hy vọng “đầu năm cuối năm đều hoạt động”. “Tôi mong muốn các cấp, các ngành cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để thích ứng an toàn với dịch bệnh, nâng tầm các sản phẩm du lịch của địa phương để thu hút được du khách. Có như vậy, người lao động mới có việc làm, gắn bó với sự phát triển của doanh nghiệp” - Lê Văn Kiên chia sẻ.
Được biết, tại tỉnh Quảng Trị hiện có gần 4.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng gần 50.000 lao động. Theo LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, hầu hết các doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh sử dụng lao động tại địa phương, sau kỳ nghỉ Tết, lao động đã trở lại làm việc bình thường.
Ông Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị - cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ở những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, không khí làm việc tại các doanh nghiệp khá sôi nổi, nhiều doanh nghiệp tuyển mới, giữ chân được người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao về từ các tỉnh phía Nam và mở rộng được sản xuất, hứa hẹn một năm mới phát triển.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dich-benh-khien-cong-nhan-khong-con-muu-sinh-noi-dat-khach-a1961.html