Mùng 8 Tết, trời mưa phùn lất phất, Phạm Anh Dung (sinh năm 2002, quê ở Phú Thọ) khệ nệ kéo theo bao đựng đồ mang từ quê lên nhà trọ - “bao hàng tiếp tế” cho những tháng ngày đi làm xa nhà.
Việc đầu tiên cô làm khi bước vào phòng trọ là dán lại mảng giấy trên tường bị bong do trời mưa ẩm. Dung trọ một mình trong căn phòng 10m2 không có nhà vệ sinh. Dung bắt đầu lôi từng món mẹ đã chuẩn bị sẵn. Dung gọi đó là “món của mẹ”: Bánh chưng vuông, dài; rau xanh, bí đỏ, gạo, trứng,... Chỉ vào chỗ đồ ăn, Dung bảo: “Từng này thức ăn cũng cứu em được ít nhất nửa tháng. Vậy là tiết kiệm được khối tiền”.
Dung hiện làm ở Công ty TNHH Denso Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội), theo lịch công ty, từ ngày mùng 7 Tết, công nhân sẽ đi làm trở lại. Nhưng dây chuyền của Dung không có việc nên đến ngày 11.2, Dung mới được quay trở lại sản xuất. Dáng người vốn nhỏ bé, Dung kể, chỉ mấy tháng đi làm, cô sút hẳn 3kg, từ 40kg xuống còn 37kg.
Một thân một mình nơi xa lạ, cô gái trẻ này gặp không ít khó khăn và áp lực. Học xong cấp 3, như Dung kể, thấy mình “học không giỏi hẳn” nên xin đi làm sớm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Xuống Thủ đô xin việc từ tháng 5.2021, phải mất 1 tháng, Dung mới trúng tuyển đi làm. Không may, vừa ký hợp đồng với công ty được 1 tháng, cô gái trẻ bị ngưng việc do nơi ở cách ly theo yêu cầu phòng chống dịch.
Quãng thời gian không có công việc, Dung duy trì sinh hoạt bằng cách nhờ đến sự hỗ trợ thực phẩm của địa phương, vay mượn thêm bạn bè. “Những ngày tháng đó em ăn mì tôm là chính. Em không dám than với gia đình vì sợ mọi người lo lắng” - cô nhớ lại.
Sau gần 2 tháng không có công việc, Dung cũng được đi làm trở lại. Mặc dù vậy, khó khăn vẫn hiện hữu vì nhóm công nhân như cô hầu như bị cắt hết sản lượng, chỉ ăn lương cơ bản và trợ cấp, tiền lương thu về khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng. Dung nói, đã từ rất lâu rồi cô chưa được tăng ca. Cuối năm, đồng nghiệp cùng công ty là F0 thì Dung mới được đi làm bù.
Tiền lương ít ỏi, Dung phải hết sức chắt bóp mới đủ trang trải. Mỗi tháng, cô gửi về cho bố mẹ 1-2 triệu đồng, còn bao nhiêu để bản thân chi tiêu và tiết kiệm. “Em là con gái nên cũng thích phấn, son, quần áo. Nhưng nghĩ mình còn thiếu thốn, bố mẹ ở quê đồng ruộng vất vả nên em lại nhịn” - Dung chia sẻ.
Năm qua, Dung đặt mục tiêu sẽ mua cho mình chiếc xe máy mới song vẫn chưa thực hiện được. Thế nên, dự định mua xe từ năm 2021 lại phải chuyển sang năm 2022.
Rời quê Thanh Ba (Phú Thọ), chị Đỗ Thị Kim Duyên (SN 1986) đã có 10 năm làm việc tại doanh nghiệp chế xuất Nitori (Khu Công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội). Chồng làm công trình xây dựng, vắng nhà liên tục. Hầu như chỉ có chị Duyên và con gái 11 tuổi đồng hành với nhau.
Từ nhỏ đến giờ, đây là dịp Tết đầu tiên của chị Duyên không về quê đón Tết. “Năm nay dịch bệnh phức tạp quá, nên cả nhà quyết định ở tại phòng trọ ăn Tết. Người dân ở đây nhà ai biết nhà đó nên buồn lắm” - chị Duyên chia sẻ.
Thường lệ, kết thúc ngày làm việc cuối cùng trong năm, cả nhà tất bật dọn dẹp đồ đạc trong phòng trọ, chuẩn bị lên xe về quê ăn Tết. Về nhà nào sắm cành đào, cây quất, chuẩn bị trước món ăn này, món ăn kia để làm mâm cỗ cúng và quây quần bên gia đình. Năm nay, chị Duyên thèm được tất bật, bận rộn trong dịp này biết bao.
Chị Duyên cho hay: “Đón Tết ở Hà Nội thì nhàn nhã hơn nhưng lại buồn tẻ hơn rất nhiều. Quanh ra quẩn vào chỉ làm mâm cơm thắp hương, xong lại đi ngủ”. Căn phòng trọ mà gia đình chị thuê vỏn vẹn 15m2, chỉ đủ kê một cái giường, bàn học cho con gái, tủ quần áo và một bàn kê bếp nấu ăn. Phòng ở chật hẹp, cộng với việc siết chặt chi tiêu nên chị Duyên cũng không sắm đào, quất.
Mùng 6 Tết chị đã lên công ty để test nhanh COVID-19. Mọi người gặp nhau ai nấy vui mừng và quản lý có “lì xì” lấy may cho mọi người. Theo chị Duyên, chỉ có những công nhân nào F0, F1 thì phải điều trị, cách ly, còn lại mọi người đều đi làm đầy đủ.
Năm 2021, công ty chị Duyên làm việc cũng chịu tác động dịch COVID-19. Không ít lần phải giãn việc, ngừng việc, thu nhập của chị Duyên năm qua cũng bị ảnh hưởng. Chị Duyên cho hay: “Trong năm nay tôi không mong gì hơn dịch bệnh giảm đi, mọi thứ trở lại bình thường. Con gái tôi được đến trường học, bố mẹ vơi bớt đi những nỗi lo. Mình thì được đi làm đều đặn, công ty phát triển tốt và tăng lương, tăng thu nhập để cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nam-moi-nguoi-lao-dong-mong-cong-viec-on-dinh-a1934.html