Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng thì hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 02/2022.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ ngày 13/03/2022. Các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).
Theo đó, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/02/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.
Báo cáo nhanh của các địa phương cũng cho thấy, từ ngày 28/01/2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, phát hiện tại một số tỉnh Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang có một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).
Đặc biệt, có một số cửa hàng xăng dầu đã đăng ký tạm ngừng bán với Sở Công Thương địa phương nên theo quy định, các cửa hàng này được phép ngừng bán.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 10 giải pháp nhằm ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Bộ này đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, yêu cầu các cơ sở kinh doanh có kế hoạch nhập hàng để bảo đảm duy trì bán hàng liên tục; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... Bên cạnh đó, các cục quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất (với tần suất 1-2 ngày/lần) để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ cho phép Bộ này linh hoạt trong việc điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau để kịp thời bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Trong trường hợp nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn, cho phép Bộ Công Thương sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để bù đắp và bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trước đó, chiều 08/02, chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý Bộ Công Thương cần bảo đảm cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, bảo đảm chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa mặt hàng này.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành về quản lý xăng dầu.
Nguyễn Kiên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bo-cong-thuong-hop-khan-bao-dam-nguon-cung-xang-dau-trong-nuoc-a1890.html