Một giai thoại nhỏ về Hồ Chí Minh

Trên Văn đàn Việt Nam thế kỷ XX, có một giai thoại mà người Việt Nam đương thời ai cũng biết, đó là bài thơ “ Cảm ơn người tặng cam” của Hồ Chủ Tịch đăng trong báo “ Tiếng gọi phụ nữ” – Cơ quan tuyên truyền của Hội Phụ Nữ Cứu quốc, tiền thân Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam ngày nay - số 11 phát hành ngày 8/01/1946. Trước bài thơ của Người có đăng bài thơ “ Tặng Bác cam” của Nữ thi sỹ Lê Hằng Phương.

Chuyện đến Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà Khách Chính Phủ số 12 trên đường Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tặng gói cam cho Chủ Tịch Hồ Chí Minh được Nhà thơ Hằng Phương kể lại: “Trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, tình hình kinh tế rất khó khăn, nghề viết văn, làm thơ, làm báo gần như bị đình đốn, tiền nhuận bút không mua nổi gạo cho một gia đình đông người nên Nhà thơ Hằng Phương phải chạy chợ, mang một ít hàng vải, thuốc tân dược từ Hà Nội đi tầu hỏa vào bán ở chợ Rừng Thông Thanh Hóa để có tiền mua gạo, muối và ít thực phẩm cho cả đại gia đình hơn 12 người vợ chồng các con, cháu. Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập thì cuối tháng Chạp năm 1945, Nhà thơ Hằng Phương lại đi chợ Rừng Thông có mua được 10 quả cam Thanh nhỏ thơm ngọt,… Kể đến đây Bà nắm tay lại bảo: “Cam chỉ to chừng này” bàn tay nhỏ nhắn của Bà cho thấy quả cam Thanh ngày ấy chỉ bằng quả cam giấy bây giờ.

bac-ho-chi-minh-nlntv-1644770008.jpg
Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Ra Hà Nội vào sáng sớm thứ Hai, ngày 07/01/1946 (Là ngày Tân Tỵ 05 tháng Chạp năm Ất Dậu, ngày Hoàng đạo Ngọc Đường) -  Bà nhớ rõ như vậy, vội thay áo dài mầu đỏ Bordeux, quấn lại tóc rồi Bà ra xe điện Thái Hà – Bờ Hồ đỗ ở ngang tháp Hòa Phong, đối diện Bưu điện, đầu ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay – Tràng Tiền - Hàng Bài bây giờ rồi đi bộ đến Bắc bộ phủ. Qua cổng, anh Vệ quốc áo trấn thủ, mũ calo hỏi, Bà nói vào biếu cam Chủ Tịch. Một anh chạy vào trong dinh, lát sau Chánh Văn phòng lúc đó là Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam chạy ra gọi: “ Chị,…” rồi đưa Bà vào phòng khách ngồi chờ vì Bác đang bận khách. Ngồi lúc đã lâu, Bà gọi: “ Chú Bôi, cho Chị tờ giấy cái bút”, Phan Bôi: “ Dạ’ rồi vào phòng làm việc lấy ra, Bà ngồi viết ngay “Bài thơ Dâng tặng Bác cam”. 

Nguyên văn như sau:

Bài thơ Dâng tặng Bác cam”

Kính gửi Hồ Chủ Tịch,

Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu
Đắng cay Cụ nếm đã nhiều
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, Hạnh phúc tràn đầy trời Nam
Anh hùng mở mặt giang san
Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi.

Tháng Giêng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ hai (2 – 1 – 1946)
Ký tên: Hằng Phương kính bút.

Bà đặt bài thơ vào gói 10 quả cam Thanh rồi đưa cho Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam bảo: “Cậu đưa lên Bác, nói là Chị sợ làm mất thời giờ của Bác”, nói xong đứng dậy thoăn thoắt ra về. Tối muộn Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam về nhà của Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Nhà thơ Lê Hằng Phương ở Thái Hà, kể: “Chị về được một lúc thì Bác ra, em đưa Cụ gói cam, Cụ đọc ngay lá thư Chị viết rồi lặng người hồi lâu mới nói: “ Sao không cố giữ cô ấy lại”. 

Sau đấy Ông Cụ vào phòng làm việc viết gì giao cho cậu liên lạc cùng bài thơ của Chị,… Em không dám hỏi. Để mai Em xem”. Cần viết thêm hai nhà Cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam là họ bên Mẹ Lê Hằng Phương ở Điện bàn, Quảng Nam, anh chị em chúng tôi gọi là Cậu. Thời kỳ 1945 – 1946, sau ngày làm việc cậu Phan Bôi thường về ở nhà của Cha, Mẹ tôi ở Thái Hà, gần gò Đống Đa, Hà Nội

Ngày hôm sau, báo “Tiếng gọi Phụ Nữ” số 11 ra ngày 08/01/1946 đăng ngay trên trang nhất bài thơ “ Dâng tặng Bác cam ” của Bà Hằng Phương, dưới là bài thơ trả lời của Hồ Chủ Tịch, nguyên văn như sau:

Cảm ơn người tặng cam

Cảm ơn Bà biếu gói cam
Nhận thì không đáng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.

Bài thơ của Nhà thơ Hằng Phương được Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết thơ trả lời đã thành một giai thoại truyền tụng cả nước thời kháng chiến chống Pháp, rồi sang thời chống Mỹ đến nay.

nha-tho-phuong-hang-1644374824.jpg
 

Sau này Mẹ tôi – Nhà thơ Lê Hằng Phương ( Đường phố Hằng Phương Nữ sỹ) có giải thích cho các con: “ Bác viết không đáng là vì trong bài thơ Mẹ viết Tặng cam Hồ Chủ Tịch có câu “ Anh hùng mở mặt giang sang. Lưu danh thiên cổ vẻ vang giống nòi” nên Bác khiêm tốn không nhận mình là Anh hùng Dân tộc. Bác còn viết “ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai” là ý nói chưa hết khổ đâu. 

Hòa bình (1954), Cha Mẹ tôi có mấy lần gặp Bác, nhớ lại chuyện xưa, Bác bảo: “ Mấy người không hiểu ý Bác, tự sửa chữ Đáng thành chữ Đúng vì cho Người Cách mạng không nhận quà biếu,… Thật không phải”. 

Tờ báo “ Tiếng gọi phụ nữ” số 11 phát hành ngày 8/01/1946 có đăng bài thơ Cảm ơn người tặng cam” của Hồ Chủ Tịch cùng bài thơ “ Dâng tặng Bác cam” của Nhà thơ Hằng Phương được lưu giữ trong di cảo gia đình Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Hằng Phương, trong đó còn có nhiều ảnh thời kỳ 1945 – 1946 hai Thân chụp cùng Hồ Chủ Tịch.

Hà nội, Xuân Nhâm Dần 2022.

Vũ Ngọc Phương - Là con trai út Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Lê Hằng Phương (Hằng Phương Nữ sỹ), hiện là Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam

 

Ghi chú: Nhà thơ Hằng Phương họ Lê. Bà có cha đẻ là Danh nhân Lê Dư có biệt hiệu là Sở Cuồng Tiên sinh, mẹ Bà là Phan thị Dệm – con gái Danh Nho Phó Bảng Phan Trần, là một trong các sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương và Duy Tân. Bà Lê Hằng Phương sinh ngày 09 tháng 09 năm 1908 tại làng Bảo An – Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vì thế Bà rất uyên thâm cả Hán học, Tử vi và Pháp học, Quốc ngữ. Những sự kiện quan trọng khi sinh thời đều được Bà ghi lại theo lịch Tây và lịch Ta, nhiều phần còn được ghi thêm cả Tiết khí.

Bà tham gia Cách mạng từ thời kỳ 1936 trong Hội truyền bá Quốc ngữ và phong trào Mặt trận Dân chủ Đông dương cùng các ông Nguyễn văn Tố, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,...Tháng 8 năm 1937, Đảng Cộng sản Đông dương có Nghị quyết về công tác phụ nữ. Bà Lê Hằng Phương cùng người em họ Lê thị Xuyến và một số người khác thành lập Hội Phụ Nữ Dân chủ. Bà Lê thị Xuyến được bầu làm Chủ tịch - Tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam ngày nay. Sau cách mạng 1945, miền Bắc chìm trong nạn đói khủng khiếp, Bà Lê Hằng Phương đã kêu gọi nhiều Nhân sỹ lập Hội Từ thiện cứu sống được nhiều người. Việc làm của Bà được báo chí thời kỳ nay ghi nhận.

Năm 1951, hai ông bà Vũ Ngọc Phan và Lê Hằng Phương đi bộ từ Thanh Hóa lên ATK (An toàn khu) Việt Bắc. Khi qua sông Lô, bè bị vỡ, nhật ký, sách của Ông Bà cùng tài liệu trôi nổi, sau được bộ đội vớt lên nên nhiều trang viết tay bị dính, nhòe, rất khó đọc. Vì vậy sự tra cứu nhiều lúc bị sai lệch bản gốc.

1-1644769865.jpg
Bút tích Nhà thơ Hằng Phương dịch và chú giải Kinh Phật.
2-1644769895.jpg
Bút tích Nhà thơ Hằng Phương chú giải Pháp văn

 

Vũ Ngọc Phương/Chủ tịch TW Hội KH PNT NLNTVN

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/mot-giai-thoai-nho-ve-ho-chi-minh-a1866.html