Vũ Khiêu được dạy về Nho học từ nhỏ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi ông nội từ quan về quê dạy học, Vũ Khiêu chỉ được học hết tú tài Trường Bonnal xưa, nay là Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng. Năm 1935, ông về Hà Nội kiếm sống, vừa làm lao công cho Bệnh viện Đồn Thuy của Pháp (Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay) vừa tự học. Ông lấy bà Nguyễn Thị Quý (1918-1994) người cùng làng vào năm 1939. Ông tiếp tục dạy học tư, ở tại 23 phố Tiên Sinh (nay là Hàng Gà, Hà Nội). Ông được giác ngộ, đi theo Cách mạng và trưởng thành chính trong lò lửa của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.
Bằng trí tuệ bẩm sinh cùng truyền thống hiếu học của gia tộc và quê hương, bằng những xúc cảm mãnh liệt về thân phận con người, khi mới tuổi 29, ông đã viết Văn tế truy điệu những người đã chết vì nạn đói vào tháng 3 năm 1945 và gây được tiếng vang lớn.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là Giám đốc Sở Thông tin Liên khu 10, ủy viên Ban Tuyên truyền của Đảng trước khi được bô nhiệm các chức vụ Giám đốc Sở Thông tin Liên khu
Việt Bắc kiêm ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Việt Bắc, rồi Giám đốc Sở Tuyên truyền Văn nghệ Tây Bắc, Phó Ban Tuyên huấn kiêm tổ chức của Khu ủy Tây Bắc, Phó ban Chính đảng Khu Tây Bắc. Ông đã tham gia Chiến dịch Biên giới 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội. Ông được cử sang Bắc Kinh, Trung Quốc học trường Đảng cao cấp (1954 - 1956), trở về, giữ chức Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc TTXVN đến năm 1957 kiêm giảng viên Triết học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Năm 1959 ông là tổ trưởng tổ Triết học (tiền thân của Viện Triết học), kiêm Thư ký khoa học Ban Khoa học xã hội, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước và đơn vị này cũng là tiền thân của Ủy ban Khoa học Xã hội sau này.
Từ tháng 5/1960 đến tháng 6/1961, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Ủy ban Khoa học Nhà nước đi nghiên cứu tại Hungary. Năm 1967, ông là Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, rồi phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông được phân công là phó Viện trưởng thường trực Viện Khoa học Xã Hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã tham gia tích cực vào việc đoàn kết, tập hợp trí thức hai miền Nam Bắc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sau khi Tổ quốc ta thống nhất. Từ tháng 10/1977, ông Vũ Khiêu được giao trọng trách Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), sau đó kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học và Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học giai đoạn 1984-1987. Ông là một trong những người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của một số ngành khoa học như Triết học, Xã hội học, Mỹ học... ở Việt Nam. Ông cũng là một trong những người khởi đầu nghiên cứu triết học bằng thế giới quan và phương pháp luận Mác-xít ở nước ta. Ông được phong học hàm Giáo sư Triết học năm 1980. Từ năm 1987 đến 1999, Giáo sư Vũ Khiêu là chuyên gia cao cấp của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (tên mới của Ủy ban KHXH Việt Nam).
Với hơn 60 năm công tác trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong đó có 40 năm tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (tên gọi hiện nay), dù ở cương vị nào, Giáo sư Vũ Khiêu cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lao động khoa học và luôn là tâm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Ông đã đề lại hàng trăm tác phẩm và công trình nghiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn, là tác giả của hơn 40 cuốn sách, tham gia chủ biên, cùng biên soạn trên 100 cuốn sách khác thuộc nhiều lĩnh vưc như Triết học, Đạo đức học, Mỹ học, Xã hội học, Tôn giáo, Văn hóa, Nghệ thuật. Hầu hết trong số đó là những công trình tiêu biểu của Khoa học Xã hội Việt Nam đương đại.
Các tác phẩm ông viết và các công trình ông là chủ biên tiêu biểu của ông phải nhắc đến, đó là: Cách mạng Tư tưởng (1958); Đẹp (1962), Anh hùng và nghệ sĩ (1972, 1975); Cách mạng và văn nghệ (1979); Con người Việt Nam và sứ mệnh quang vinh của văn nghệ (1980); Không có gì quý hơn Độc lập Tự do (1972); Mười năm văn học chống Mỹ (1972); Thơ chữ Hán Cao Bá Quát (1977); Thơ văn Nguyễn Trãi (1980); Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của trí thức Việt Nam (1982); Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh - Truyền thống dân tộc và nhân loại (1993); Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức (1996); Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995); Văn hóa và kinh doanh (1996)... Sau khi nghỉ hưu vào năm 2000 khi ở tuổi 81, Giáo sư Vũ Khiêu tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học lớn của đất nước. Ông đã biên soạn bộ công trình "Bàn về Văn hiến Việt Nam” (2002) dày hơn 1.000 trang, giải mã cội nguồn và tiến trình phát triển nền văn hiến Việt Nam từ lịch sử đến hiện đại.
Ở vào tuổi chín mươi, Giáo sư Vũ Khiêu tập trung nhiều hơn cho việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều công trình về Thăng Long - Hà Nội. Ông được giới khoa học xem như là một trong những nhà Hà Nội học hàng đầu, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu toàn diện về lịch sử, tư tưởng, văn hóa và nhân cách con người Thăng Long. Ông tham gia vào việc chủ trì các nội dung hoạt động khoa học kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, là Chủ tịch Hội đồng Dự án "Tủ sách ngàn năm Thăng Long" và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khác về "Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội". Năm 91 tuổi ông còn là Chủ tịch Hội đồng biên soạn và cũng là một trong những soạn giả của công trình nghiên cứu đồ sộ "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" (2007), tham gia nhóm biên soạn, biên tập và xuất bản bộ "Bách khoa thư Hà Nội" khi đã 94 tuổi (2010). Đã vào tuổi 102, sau nhiều năm miệt mài đọc và viết không ngừng nghỉ, Giáo sư Vũ Khiêu đã hoàn thành và cho xuất bản bộ sách đồ sộ "Văn hiến Thăng Long" gồm 3 tập dày 2.400 trang (2017). Trước lúc mất hai tháng, nằm trên giường bệnh, ông còn trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn, sửa chữa và hoàn thành bản văn bia tưởng niệm ghi công lao và đồng thời cũng minh oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh vị Trạng nguyên đầu tiên ở nước ta để ghi khắc trên đền thờ Thái sư.
Là người nghiên cứu cổ văn sâu sắc, Giáo sư Vũ Khiêu đã biên soạn nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối... tại nhiều công trình văn hóa, đền đài, chùa chiền, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ông cũng nổi tiếng với các bản "Chúc văn" được đọc trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương, "Văn tế Phù Đổng Thiên Vương". Ngoài trăm tuổi ông vẫn lặn lội tới các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Ngã Ba Đồng Lộc, nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo... viết văn bia tưởng niệm và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Giáo sư Vũ Khiêu còn là một nhà hoạt động quốc tế có tên tuổi. Ông được trao tặng Huân chương Chữ thập Hiệp sỹ - phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary, vào năm 2015 vì những đồng góp trong nghiên cửu về văn hóa và lịch sử Hungary và việc xây dựng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hungary.
Giáo sư đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo nhiều thể hệ học trò, góp phần phát triển nguồn nhân lực Khoa học Xã hội ở Việt Nam.
Không chỉ là nhà văn hóa và nhà khoa học lớn, trong gia đình, Giáo sư Vũ Khiêu còn là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, luôn gần gũi, bao dung, quan tâm đến mọi thế hệ con cháu. Ông đã nuôi dạy con cháu trở thành những công dân, những trí thức tốt đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước. Ông bà sinh hạ được 4 con. Theo nghiệp cha, gia đình ông có người con trai là GS, TS. Đặng Vũ Cảnh Khanh cũng là một trong những nhà nghiên cứu xã hội học và văn hóa hàng đầu của nước ta. Ông từng khuyên dặn các con cháu mình rằng, "dẫu thế nào cũng phải giữ được những phẩm chất của một gia đình trí thức truyền thống. Cụ của các con đã từ bỏ chốn quan trường để về nhà dạy học, từ chối không chịu hợp tác với Pháp. Ông nội các con theo Đông Kinh Nghĩa Thục, các ông chú, ông bác, bà cô đều hoạt động cách mạng, có người chịu tù đày tới chết. Bố muốn nhắc các con không bao giờ được quên rằng phẩm chất cao đẹp nhất của con người, đặc biệt của trí thức là sự trung hiếu".
Ông cũng giải thích thêm: "Gia đình chúng ta có một cách hiểu về chữ "trung" mà cụ của các con xưa đã dạy cho bố. Đó là, khi các con biết đứng về phía nhân dân, những người lao động nghèo khổ thì đó cũng là lúc các con có được chữ trung đúng nghĩa. Những khi lúng túng, chưa biết phân biệt đầu đúng, đâu sai thì hãy nhìn về phía người dân, chọn chỗ đứng của mình ở bên cạnh họ, kề vai sát cánh cùng với họ. Đó chính là "trung", trích Thư Giáo sư Vũ Khiêu gửi các con cháu khi bước sang tuổi 100 (năm 2016). Nhiều học giả uy tín có chung nhận định: "Là một trong những trí thức tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh, Giáo sư Vũ Khiêu là một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái.
Cuộc đời cống hiến đầy sáng tạo và sự nghiệp vinh quang của Giáo sư Vũ Khiêu toát ra sức hút của một trí tuệ và tài hoa..." (trích từ Điếu văn tại Lễ truy điệu, tiễn biệt GS. Vũ Khiêu). Khi Giáo sư tròn 90 tuổi, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết tặng ông câu đối, được xem như là một lời nhận xét ngắn gọn và chính xác về ông: "Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời".
Với những cống hiến lớn lao và xuất sắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp phát triển nền văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam, Giáo sư Vũ Khiêu đã được Đảng, Nhà Nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý:
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, năm 1961;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, năm 1984;
- Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 1992;
- Huân chương Độc lập hạng Nhì, năm 1993;
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật năm 1996;
- Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, năm 2000;
- Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 2006;
Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Giáo sư Vũ Khiêu được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010";
- Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, năm 2017.
Giáo sư, Nhà văn hóa, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ bởi hàng trăm tác phẩm. Cuộc đời, tài năng, đức độ, nhân cách và công trình, tác phẩm của Giáo sư đề lại không chỉ là một nhà Văn hóa lớn mà còn là nhà nghiên cứu Triết học, nhà Mỹ học, nhà Đạo đức học, nhà Xã hội học, nhà Nghệ thuật học... Ở ông, từ người trẻ đến người lớn tuổi, hầu như không có khoảng cách. Họ đều luôn coi ông là "bè bạn" bởi không hề có khoảng cách về độ tuổi cũng như trình độ học vấn. Ông luôn có sức tập hợp, cuốn hút người khác, làm cho ai cũng thấy dễ gần. Về điều này, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng lúc sinh thời từng nhận xét về một người vốn hơn ông tới 18 tuổi rằng: "Ông là một trường hợp quý hiếm. Bạn bè cấp dưới quý ông và chơi với ông, không xu nịnh, nhờ vả, "kiếm chác" gì ở ông. Ông lấy sự quý mến, liên tài mà đối đãi lại với chúng tôi. Ông không ưa nịnh. Tôi luôn luôn nói thẳng với ông nhiều việc, vụ. Ông chú ý nghe và cho ý kiến”.
Giáo sư Vũ Khiêu sẽ còn mãi trong giới nghiên cứu khoa học xã hội bởi chính di sản đồ sộ mà ông để lại cho đời. Ở ông, đó còn là một tấm gương về ý chí tự học mà thành danh rồi nhờ nền tảng kiến thức đó mà trở thành một bậc đại thụ, một bậc hiền triết trong giới Khoa học xã hội nước nhà. Hiện nay tại huyện Xuân Trường quê ông có trường trung học phổ thông dân lập mang tên Cao Phong, tên bút danh của ông ngày từ khi bắt đầu viết lách. Trường này được một số doanh nhân yêu quý, kính trọng ông xây dựng nên ngay từ khi ông còn sống.
Tài liệu tham khảo:
- Điếu văn tang lễ Giáo sư Vũ Khiêu (bản chính thức do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội đọc) và lời cảm tạ của gia quyến.
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
- Vũ Khiêu và bè bạn. - NXB Khoa học Xã hội. H. 1996.
- Thư Giáo sư Vũ Khiêu gửi các con cháu khi bước sang tuổi 100, năm 2016 (tư liệu gia đình cung cấp).
Nhà báo Nguyễn Quốc Phong
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giao-su-vu-khieu-mot-nha-van-hoa-lon-cua-dat-nuoc-a18243.html