Không được ghi âm, ghi hình, người dân giám sát CSGT thế nào?

Nhằm hạn chế việc lợi dụng quyền giám sát để quay phim, chụp ảnh CSGT làm việc và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, Thông tư 46 của Bộ Công an mới đây đã bỏ quy định người dân được giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình.

bo-giam-sat-csgt-bang-quay-phim-ghi-hinh-1-1730436099.png
Không được ghi âm, ghi hình, người dân giám sát CSGT thế nào?

Cụ thể, Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đã bỏ quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình (có điều kiện). 

Người dân được giám sát thông qua 5 hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cục CSGT cho biết, việc giám sát của một số người dân có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh CSGT làm việc và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật…

Cục cũng cho biết thêm, CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng. 

Thông tư mới sẽ chính thức có hiệu lực từ kể ngày 15/11/2024. 

Hương Trà (TH)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khong-duoc-ghi-am-ghi-hinh-nguoi-dan-giam-sat-csgt-the-nao-a18003.html