Những bức tranh của Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương, cán bộ Phòng Văn hóa, văn nghệ, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an không chỉ là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà còn là nơi trút bỏ những cảm xúc, suy nghĩ sâu kín của người chiến sĩ. Những nét vẽ mềm mại, uyển chuyển khắc họa hình ảnh cuộc sống thường ngày, những khoảnh khắc xúc động trong công việc, hay cả những giấc mơ về một tương lai tươi sáng. Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương đã có những chia sẻ về đam mê hội họa với Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt.
Phóng viên: Thưa Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương! Điều gì đã thôi thúc đồng chí đến với hội họa, đặc biệt là trong một môi trường công việc khá đặc thù như công an?
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương: Tôi đến với hội họa không phải là tình cờ hay do một cái duyên nào đó. Từ lúc 6-7 tuổi, tôi đã tiếp xúc với dòng tranh Đông Hồ và từ đấy có một tình yêu đặc biệt với dòng tranh dân gian giấy gió. Từ bé, tôi đã ấp ủ ước mơ sau này sẽ vẽ những bức tranh trên chất liệu giấy gió đó. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, công việc và cuộc sống cứ cuốn tôi đi, khiến tôi không còn được vẽ tranh nhiều nữa. Khi vào công tác trong lực lượng Công an nhân dân, được tiếp xúc với rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật, tình yêu hội họa trong tôi lại trỗi dậy. Từ đó, tôi bắt đầu quay lại với đam mê vẽ tranh của mình.
Các họa sĩ bình thường vẽ tranh trên giấy gió có kích thước nhỏ. Mới đầu thì tôi cũng vẽ trên khổ giấy nhỏ. Nhưng về sau, tôi cảm thấy khổ giấy nhỏ không thể hiện hết được cảm xúc của bản thân nên tôi phải nối khổ giấy để vẽ tranh. Khi vẽ trên các khổ giấy lớn, tôi có cảm hứng rất mãnh liệt vì khi đó tôi mới có thể diễn đạt được tất cả những cảm xúc nội tâm của mình.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Cảm xúc là một trong những yếu tố rất quan trọng trong hoạt động nghệ thuật. Vậy điều gì đã truyền cảm hứng cho đồng chí để sáng tạo khi vẽ tranh?
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương: Cảm hứng của tôi bắt nguồn từ chính cuộc sống hiện tại. Qua những trải nghiệm trong cuộc sống, tôi sẽ diễn đạt và biểu đạt những cảm xúc của bản thân qua các tác phẩm nghệ thuật. Tất cả những gì mình tạo ra đều là những cảm xúc chân thật và sâu sắc nhất. Có những lúc khi cầm bút lên, tôi nghĩ rằng sẽ vẽ về một chủ đề nào đó cụ thể. Nhưng khi bắt đầu đặt bút xuống, cảm xúc lại dẫn dắt mình đến những điều bất ngờ. Có thể đó là một khoảnh khắc trong tương lai hoặc một ký ức nào đó từ quá khứ.
Vẽ trừu tượng thực sự rất kỳ lạ và đặc biệt. Khi vẽ tranh, mọi thứ đều tuân theo cảm xúc và trạng thái tâm hồn của mình tại thời điểm đó. Mỗi tác phẩm và mỗi nét vẽ đều là một phần của hành trình nội tâm, nơi mà tôi có thể tự do thể hiện những gì đang trào dâng trong lòng.
Tác phẩm của tôi không chỉ là những hình ảnh mà còn là những cảm xúc, những câu chuyện và cả những suy tư sâu sắc. Mỗi lần vẽ, tôi đều cảm thấy như mình đang khám phá một thế giới mới, nơi mà cảm xúc và trí tưởng tượng hòa quyện với nhau để tạo ra những điều kỳ diệu. Cảm xúc là nguồn sống của nghệ thuật nên tôi luôn cố gắng để cho cảm xúc ấy dẫn dắt trong từng tác phẩm.
Phóng viên: Lối vẽ tượng liệu có phải là thể loại xuyên suốt trong con đường hội họa của đồng chí?
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương: Trước đây tôi vẽ theo phong cách hiện thực nhưng dần dần, cảm xúc bên trong thôi thúc tôi hướng đến một cách thể hiện khác. Cảm xúc như thế nào thì tôi sẽ vẽ như vậy. Tôi mong muốn mang cảm xúc của bản thân đến với mọi người một cách chân thật nhất.
Phóng viên: Nhiều người, bao gồm cả chuyên gia trong lĩnh vực hội họa nhận xét rằng: khi xem tranh của đồng chí, họ cảm nhận được rất nhiều câu chuyện. Câu chuyện như thế nào còn phụ thuộc vào tâm trạng của người thưởng lãm. Đây có phải là ý định của đồng chí khi truyền tải thông điệp qua những bức tranh?
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương: Đúng vậy, đó chính là ý định của tôi. Trong tất cả các bức tranh tôi không để tên. Bởi vì tôi muốn khán giả được tự do tưởng tượng và suy nghĩ theo cách mà họ cảm nhận.
Mỗi một cảm xúc, tâm trạng đều có thể tạo ra những cảm nhận khác nhau khi người xem nhìn vào các tác phẩm của tôi. Màu sắc trong các tác phẩm cũng rất ngẫu hứng, không tuân theo một chủ đích hay công thức nào cả. Dường như nó phá vỡ mọi nguyên tắc, quy tắc mà trước đây tôi đã học. Mỗi lần tôi vẽ, mỗi lần phối màu đều hoàn toàn theo cảm xúc và sự ngẫu hứng của chính mình. Tôi tin rằng nghệ thuật nên là một không gian tự do, nơi mà cảm xúc và trí tưởng tượng có thể bay bổng, không bị giới hạn bởi bất kỳ quy tắc nào. Mỗi bức tranh là một cuộc hành trình và tôi muốn mỗi người xem cũng sẽ tham gia vào hành trình ấy theo cách riêng của họ.
Phóng viên: Với đồng chí, việc cân bằng giữa công việc và đam mê nghệ thuật có gặp khó khăn nào không? Nếu có, đồng chí đã giải quyết những khó khăn đó như thế nào?
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương: Công việc của một cán bộ hoạt động văn hóa nghệ thuật trong lực lượng công an nhân dân quả thực rất bận rộn. Thời gian nghỉ ngơi ít ỏi nhưng tôi luôn tìm thấy niềm vui trong hội họa. Những buổi tối và cuối tuần, tôi dành thời gian để vẽ tranh. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hay buồn phiền, hội họa như một liều thuốc tinh thần giúp tôi thư giãn, lấy lại cân bằng và tràn đầy năng lượng.
Hội họa không chỉ là một sở thích mà còn là cách tôi thể hiện bản thân, giải tỏa áp lực và sáng tạo. Qua từng nét vẽ, tôi như được hòa mình vào một thế giới khác, nơi tôi có thể tự do khám phá và thể hiện cảm xúc của mình. Đồng thời, hội họa cũng giúp tôi rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khả năng tập trung.
Để cân bằng cuộc sống tốt hơn, tôi đang cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý hơn, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu thêm về các kỹ thuật vẽ mới. Tôi tin rằng, với niềm đam mê và sự kiên trì, tôi sẽ có thể đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực hội họa.
Phóng viên: Vậy chắc hẳn trong thời gian tới đồng chí sẽ có nhiều dự định trong con đường nghệ thuật, đặc biệt là hội họa?
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương: Trong thời gian tới, tôi muốn khám phá thêm nhiều chất liệu truyền thống của Việt Nam nữa. Sơn mài, một trong những dòng tranh truyền thống đặc sắc của Việt Nam, là một chất liệu mà tôi rất muốn thử sức. Tôi mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về các kỹ thuật sơn mài, từ việc pha màu, tạo lớp nền cho đến các kỹ thuật trang trí như đắp nổi, khảm trai, cẩn ốc.
Việc làm quen với sơn mài không chỉ giúp tôi khám phá vẻ đẹp độc đáo của một loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn là cơ hội để tôi kết nối sâu sắc hơn với văn hóa dân tộc. Tôi tin rằng, qua việc tìm hiểu và sáng tạo với sơn mài, tôi sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị và bổ ích.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn thiếu tá Bùi Thị Hải Dương đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay! Chúc đồng chí luôn mạnh khoẻ, thành công và luôn được thoả sức sáng tạo với niềm đam mê hội hoạ của mình./.
Nguyễn Hà
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thieu-ta-bui-thi-hai-duong-chien-si-tai-hoa-trong-luc-luong-cong-an-nhan-dan-a17996.html