Gần đến ngày đi học, phụ huynh chật vật "cai nghiện" điện thoại cho con

Với nhiều gia đình, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay là khoảng thời gian vàng để rèn lại nền nếp sinh hoạt và giúp con "cai nghiện" điện thoại, máy tính trước khi được đi học trực tiếp trở lại.

Thay nhau hò hét "rèn" con dậy sớm

Kể lại thời gian nghỉ Tết vừa qua, chị Trần Thị Thu Hà – phụ huynh có con học lớp 7 và lớp 9 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội nói, năm nay, do dịch bệnh nên gia đình chị hạn chế việc du xuân. Thay vào đó, chị dành nhiều thời gian hơn để cùng con thay đổi giờ giấc sinh hoạt, chuẩn bị cho việc trở lại trường từ ngày 8.2.

Theo đó, những ngày trong Tết, dù thời tiết miền Bắc rét đậm rét hại nhưng gia đình chị vẫn cố gắng gọi con dậy vào lúc 6h30 mỗi sáng. Thế nhưng, việc thực thi lại không hề đơn giản như chị tưởng.

“Cứ mỗi sáng sớm, 2 vợ chồng tôi hò hét 30 phút nhưng các con vẫn không thể dạy nổi vì đã quá quen với việc dạy muộn suốt gần 1 năm qua" - chị Hà than thở.

Gia đình chị Nguyễn Thị Loan – phụ huynh có con học lớp 7 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập lại giờ giấc sinh hoạt cho con. 

Chị nói, thời gian trong năm, nhiều hôm con có tiết học online vào buổi chiều nên chị thường cho con ngủ dậy muộn, khoảng 9 giờ sáng để con tỉnh táo học tập vào buổi chiều. Vậy nên, khi nhận được thông báo đi học lại, điều chị lo lắng nhất là làm sao để con quen với việc dậy sớm.

"Dù nghỉ Tết nhưng cứ đúng 10 giờ tối là tôi yêu cầu con lên giường đi ngủ để sáng mai 6 giờ sáng phải thức giấc, tập thể dục, chuẩn bị đồ ăn sáng,... Dù thương con nhưng không còn cách nào khác" - chị Loan chia sẻ. 

hoc-sinh-tu-lop-7-12-tai-ha-noi-se-di-hoc-truc-tiep-tro-lai-tu-ngay-82-1644117427.jpg
Học sinh từ lớp 7 - 12 tại Hà Nội sẽ đi học trực tiếp trở lại từ ngày 8.2

Ráo riết "cai nghiện" điện thoại, máy tính

Không chỉ thiết lập lại giờ giấc sinh hoạt, gia đình chị Thu Hà còn xây dựng kế hoạch để giúp con "cai nghiện" điện thoại, máy tính. Cụ thể, việc sử dụng các thiết bị điện thoại, máy tính, chị quy định mỗi ngày con chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian cố định. 

"Cháu lớn cả ngày ôm lấy điện thoại, máy tính, lúc thì nhắn tin với bạn bè, khi thì lại chơi game, tham gia vào các trang mạng xã hội như facebook, tiktok,… Nhắc nhiều thì cháu lại vùng vằng, khó chịu và khóa trái cửa phòng để thoải mái làm điều mình thích. Sau vài ngày căng thẳng, con cũng đã chịu hợp tác và dần quen với việc không sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính nữa. 

Cháu nhỏ thì cả ngày kêu con không muốn đi học, học online dễ hơn học trực tiếp. Nếu không rèn thì khi bắt đầu đi học, con sẽ gặp nhiều khó khăn, nên tôi kiên nhẫn đồng hành cùng con. Vợ chồng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lí, khi con đi học trực tiếp trở lại, sẽ phải mất thêm khoảng 1-2 tháng con mới có thể hoàn toàn trở về với nếp sinh hoạt trước kia” – chị Hà thở dài.

Trên cương vị là giáo viên nhưng cũng là phụ huynh có con trong độ tuổi từ 7 - 12 tuổi, cô Mai Thị Ánh Nguyệt - giáo viên Trường THCS  Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) thừa nhận thực tế, có nhiều học sinh ngại đến trường sau thời gian học trực tuyến kéo dài. Điều này có lẽ là do việc ở nhà quá lâu hình thành thói quen mới khiến các em cảm thấy khó khăn trong việc từ bỏ, thay đổi thói quen đó.

"Thời điểm này, phụ huynh nên dành thêm thời gian động viên và hỗ trợ con khi con quay lại trường. Ví dụ gọi con dậy sớm, cùng con chuẩn bị đồng phục, đồ ăn sáng... Phụ huynh sẽ phải thật kiên nhẫn, vì phải mất một thời gian, các con mới quen được với nền nếp của việc đi học trực tiếp" - cô Ánh Nguyệt nói.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/gan-den-ngay-di-hoc-phu-huynh-chat-vat-cai-nghien-dien-thoai-cho-con-a1798.html