Ngày 28/10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý cho Đề án Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030.
“Nông dân văn minh” trong phạm vi đề án là người nông dân địa phương với phẩm chất “nghĩa tình, năng động, hợp tác và sáng tạo”.
Đó là những người nông dân có trình độ, tri thức, hiểu biết kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; có tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo và làm giàu bền vững; có tinh thần tương thân tương ái, liên kết hợp tác cùng nhau phát triển, xây dựng làng xã, cộng đồng vững mạnh.
Theo nội dung đề án, giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu hoàn thành 9 chỉ tiêu về nông dân văn minh.
Trong đó có những chỉ tiêu cụ thể, nổi bật như: Tỷ lệ lao động nông lâm thủy sản được đào tạo đạt 15%, có 500 nông dân được cấp chứng chỉ đạo tạo nghề; nông dân chủ động tham gia sàn thương mại điện tử hoặc kênh thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt ít nhất 20%; nông dân tham gia dịch vụ công trực tuyến đạt 60%; hộ gia đình nông thôn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 70%; gia đình áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm đạt 60%...
Đề án Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030 là đề án thử nghiệm chủ trương của Đảng theo Nghị quyết 19/NQ-TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp là địa phương được Trung ương lựa chọn để trển khai thí điểm, làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá, nhân rộng cho các địa phương có điều kiện tương đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Thiện Nhân