Giáo sư Đức: Doanh nghiệp Việt là những nhà vô địch ẩn danh

Giáo sư Andreas Soffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn từ nước Đức - nơi nhóm doanh nghiệp này không nổi tiếng trên truyền thông nhưng lại là những công ty hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực.

giao-su-andreas-soffers-giam-doc-quoc-gia-vien-fnf-viet-nam-1644033471.jpg
Giáo sư Andreas Soffers - Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam

Là một chuyên gia người Đức gắn bó với cộng đồng kinh doanh và khởi nghiệp ở Việt Nam hàng chục năm nay, giáo sư nhận thấy các hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp thế nào đối với nền kinh tế?

- Dựa trên kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định rõ: Hộ kinh doanh chắc chắn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đều là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp gia đình. Bởi vì, trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, có một số doanh nghiệp có chuyên môn và đang phát triển trong các lĩnh vực chính thống, có cấu trúc chuyên nghiệp và số lượng nhân viên lớn hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.

Ở đây, tôi muốn tập trung trước hết vào các hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế hộ gia đình phi nông nghiệp đang là một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong giải quyết vấn đề việc làm, với khoảng 9 triệu lao động hoạt động trong khu vực này vào năm 2019, 60% trong số đó không có trình độ học vấn. Hộ kinh doanh đã đóng góp khoảng 30% vào GDP của đất nước trong suốt giai đoạn 2015 - 2019, theo Tổng cục Thống kê.

Sẽ là công bằng khi nói các mô hình kinh doanh hộ gia đình đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam sau đổi mới năm 1986. Tự những con số đã nói lên nhiều điều: Số lượng hộ kinh doanh được mở rộng lên đáng kể, từ khoảng 0,33 triệu hộ (năm 1989) lên 1,5 triệu hộ (1999) và tăng hơn gấp ba lần cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, quy mô bình quân của mỗi doanh nghiệp cũng tăng mạnh qua các năm từ mức 58,3 triệu năm 2007 lên 162 triệu đồng/hộ kinh doanh.

Cùng với các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, các hộ kinh doanh có liên quan rất nhiều đến sự hồi phục kinh tế kỳ diệu của Việt Nam, góp phần tái định vị vị thế của Việt Nam sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Đức nổi tiếng là quốc gia có nhiều “nhà vô địch ẩn danh”, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nổi tiếng trên truyền thông nhưng lại là những công ty hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Liệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có học được gì từ những câu chuyện về các nhà vô địch ẩn danh người Đức không?

- Các hãng như Siemens, Bosch và Volkswagen đã quen thuộc với hầu hết mọi người. Nhưng trụ cột của nền kinh tế Đức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong thời kỳ khủng hoảng, nhóm doanh nghiệp này thường tỏ ra đặc biệt linh hoạt và kiên cường. Tuy nhiên, thành công không có cách nào được đảm bảo. Các công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể phá sản bất cứ lúc nào. Doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phát triển mạnh mẽ thì phải tạo ra và duy trì được năng lực cạnh tranh thực sự.

Đến nay, Việt Nam đã có những cách tiếp cận đầy hứa hẹn để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ, các công cụ của PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) hay DCCI (đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương) là cách tuyệt vời để thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tôi đang nghĩ về những gì tôi đã quan sát được. Môi trường kinh doanh ở Bắc Ninh đã có những bước phát triển rất tích cực, không chỉ đối với các ông lớn như Samsung, mà còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn đối với Quảng Ninh - trung tâm kinh tế đa dạng này được coi như là hình mẫu về “vườn ươm doanh nghiệp”. Những địa phương khác đã làm tốt như Cần Thơ và TP.Vinh.

Ngoài ra, đến với Ngôi nhà Đức ở TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể gặp gỡ các công ty Đức và có thể dễ dàng tiếp cận Phòng Thương mại Đức (AHK) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA). 

Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ các bạn nên tăng cường hợp tác với Đức.

Theo giáo sư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể trở thành “nhà vô địch” giấu mặt ở những lĩnh vực nào?

- Đất nước của các bạn đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Nhưng nguy cơ bẫy thu nhập trung bình vẫn chưa được khắc phục. Để giải quyết vấn đề này, cần chuyển từ sản xuất thuần túy sử dụng nhiều lao động (thâm dụng lao động) sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Tôi chắc chắn rằng, có nhiều “nhà vô địch ẩn danh” tiềm năng của Việt Nam ở đây. Bởi thế, bên cạnh việc duy trì sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm theo hướng bền vững, Việt Nam nên sớm có những giải pháp sáng tạo để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.

Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo sư nhận thấy cần làm gì để Việt Nam có nhiều “nhà vô địch ẩn danh”?

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ mang trong mình nhiều lợi thế.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các điều luật có tính linh động cao trong nhiều lĩnh vực, từ Luật Bảo hộ đầu tư năm 2020 cho đến sự hội nhập của đất nước vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua mạng lưới các Hiệp định Thương mại tự do.

Theo kinh nghiệm của tôi, có 4 điểm yếu xuất phát từ nội tại mà doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần nhận diện chính xác và khắc phục.

Đầu tiên, phải nói rằng, có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thuộc lĩnh vực phi chính thức, thế nên hiệu quả thường thấp. Đồng thời, họ cũng đóng góp thuế rất ít cho ngân sách nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp vẫn thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, họ cần phải được hỗ trợ và khuyến khích đăng ký hợp pháp như các tổ chức kinh tế chính thức. Điều này có thể làm tăng lợi thế của họ, ví dụ đối với các giao dịch tại Việt Nam và các tranh chấp nội bộ. Ở đây cần phải sửa đổi và điều chỉnh luật, nhưng cũng cần một hệ thống tuyên truyền, giáo dục từ chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Họ cũng gặp trở ngại trong tiếp cận vốn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn, thế nên cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.

Các nhà đầu tư thường khó đánh giá sức mạnh tài chính và năng lực kinh doanh của một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nếu muốn rót vốn. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty quy mô vừa, vì nguồn vốn đầu tư mạo hiểm thường tìm kiếm những công ty đã có quy mô nhất định (hoặc có triển vọng nhất định, trong trường hợp của các công ty khởi nghiệp). Hiện, Việt Nam không có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm hoặc cơ quan cung cấp dữ liệu tài chính đáng tin cậy để nhà đầu tư tham khảo.

Ngoài ra, có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa sẵn sàng chinh phục thị trường thế giới. Ví dụ, họ không biết cách sử dụng các lợi thế của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Thương mại EVFTA, cho lợi ích của mình. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận thị trường và công nghệ mới do tình trạng pháp lý. Nếu khắc phục được những điểm yếu này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giao-su-duc-doanh-nghiep-viet-la-nhung-nha-vo-dich-an-danh-a1788.html