Bắc Giang: “Trái ngọt” nông thôn mới trên mảnh đất “thủ phủ vải thiều”

Xác định công tác xây dựng nông thôn mới (XD NTM) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, lấy người dân làm chủ thể, huyện Lục Ngạn đã huy động toàn bộ nguồn lực cùng sự tham gia tích cực của người dân, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao. Chính nhờ vậy, phong trào XD NTM tại “thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn đã không ngừng được nâng cao, gặt hái những thành quả “ngọt lịm” như chính đặc sản vải thiều trứ danh nơi đây.

Phát huy tinh thần đồng thuận…

Lục Ngạn là địa phương miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang, được xem là “thủ phủ vải thiều” của cả nước. Năm 2010, Lục Ngạn bắt tay thực hiện chương trình XD NTM trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, chỉ đạt 5,4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,96%...

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn,ông La Văn Nam chia sẻ: "Thời điểm bắt đầu, phong trào XD NTM ở các địa phương trong huyện chưa đồng đều, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm, nguồn lực còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch tập trung gặp một số khó khăn nhất định và chưa thực sự đảm bảo bền vững... Lợi thế lớn nhất của Lục Ngạn thời điểm bấy giờ, đó chính là yếu tố tinh thần, là quyết tâm từ trong nhân dân. Bởi vậy, Lục Ngạn xác định, lấy người dân nông thôn làm trọng tâm - vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, đối tượng được thụ hưởng trong XD NTM.
Thực tế cho thấy, với quan điểm xuyên suốt “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, huyện Lục Ngạn đã thực hiện tốt phương châm lấy dân làm gốc, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân trong XD NTM".

z5942816210763-39dea38335b9ce372f7f474888d197d4-1729262839.jpg
Người dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn tại xã Hồng Giang, Lục Ngạn.

Điển hình như tại Giáp Sơn, xã tiêu biểu trong XD NTM của huyện Lục Ngạn, đạt chuẩn NTM năm 2018. Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn – ông Nguyễn Đức Tứ cho biết, sau khi đạt chuẩn xã NTM năm 2018, cả hệ thống chính trị xã đã thường xuyên xây dựng, phát động các phong trào thi đua gắn với XD NTM nâng cao như cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Giáp Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Dân vận khéo”; mô hình “5 không, 3 sạch”; phong trào “Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường”; “ngày Chủ nhật xanh”... được triển khai thường xuyên, hiệu quả.

z5942817829794-c0de035ca70d9aa93f1340bc5b47c8861-1729264180.jpg
Tuổi trẻ xã Hồng Giang, Lục Ngạn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Đến nay, Giáp Sơn đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã tiếp tục được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp của nhân dân. Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Tỷ lệ km đường trục thôn, đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT được nâng lên. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, không lầy lội, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống kênh mương được nâng cấp từ năm 2018- 2024, xây dựng cứng hóa thêm 16.4 km kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Trong phát triển nông nghiệp, xã tập trung khai thác thế mạnh địa phương là cây vải cũng như du lịch nhà vườn để góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Hiện vải thiều xã Giáp Sơn có 998 ha, với 10 mã số vùng trồng. Trong đó có 2 mã vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc, 4 mã vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản và 4 mã vùng trồng xuất khẩu Mỹ.

“Với xuất phát điểm có nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau gần 6 năm triển khai, diện mạo NTM của xã đã thực sự 'thay da đổi thịt', trở thành xã tiêu biểu trong XD NTM của huyện Lục Ngạn. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Giáp Sơn đã tăng từ 46,36 triệu đồng/người năm 2018, lên 58,88 triệu đồng/người (tăng 1,27 lần). Năm 2023, toàn xã có 19 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,81% (theo kết quả thống kê, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025), giảm 159 hộ nghèo so với năm 2018”, Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn, ông Nguyễn Đức Tứ vui mừng chia sẻ. 

Theo UBND huyện Lục Ngạn, để có được những kết quả đáng khích lệ như hiện nay, những năm qua, UBND huyện đã chủ động, chú trọng tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, ý nghĩa của việc XD NTM đến các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn; tăng cường quán triệt Nghị quyết của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh Bắc Giang, đưa nội dung XD NTM trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong sinh hoạt thường kỳ; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các buổi sinh hoạt đoàn thể và cộng đồng dân cư để nhân dân có nhận thức đúng về lợi ích, ý nghĩa của chương trình, về vai trò chủ thể của mình và tích cực tham gia chung tay XD NTM, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất...   

z5942818535717-51c1ca2769989dac877b973e23d7f1af-1729262839.jpg
Các tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Quý Sơn, Lục Ngạn được đầu tư mở rộng khang trang, to đẹp.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới”; triển khai nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư như: mô hình “Bảo đảm vệ sinh môi trường”, “Tổ an ninh trật tự”, “Khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” và các phong trào thi đua giữa các địa phương, thôn xóm, hộ gia đình để phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào XD NTM. 

Được biết, thực hiện phong trào thi đua “Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2024, trên địa bàn huyện đã vận động nhân dân đối ứng được trên 5,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. bĐồng thời, các xã đã huy động nhân dân đóng góp ngày công, vận động các hộ dân hiến đất để thi công các công trình XD NTM của thôn, xã… 

Lục Ngạn – miền quê đáng sống.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông La Văn Nam khẳng định: "hành công lớn nhất trong XD NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân. Để có được kết quả như hiện nay, Lục Ngạn đã thành lập Ban chỉ đạo XD NTM huyện, tiến hành rà soát từng tiêu chí XD NTM của từng xã, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện chương trình; hướng dẫn các xã thực hiện nội dung XD NTM theo kế hoạch đề ra. Với nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến hết năm 2023, huyện Lục Ngạn đã đạt 18/29 xã NTM, 04 xã NTM nâng cao, 11 thôn NTM kiểu mẫu".   

Năm 2024, Lục Ngạn phấn đấu 01 xã đạt chuẩn NTM (xã Tân Sơn), 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Giáp Sơn, xã Nam Dương). Tới nay, xã Tân Sơn đã hoàn thành 18/19 tiêu chí; xã Giáp Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí' xã Nam Dương đã đạt 18/19 tiêu chí. Đối với cấp thôn, phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 03 thôn. Đến nay, 03 thôn đã có quyết định công nhận (thôn Lam Sơn, xã Kiên Thành; thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn; thôn Hòa Mục, xã Mỹ An), đạt tỷ lệ 100% kế hoạch năm; số thôn phấn đấu đạt chuẩn NTM là 05 thôn. Đến nay, 02 thôn đã có quyết định công nhận (thôn Họa, xã Cấm Sơn; thôn Phố Chợ, xã Tân Sơn), đạt 40% kế hoạch năm. Còn 03 thôn (thôn Cầu Vồng, xã Phú Nhuận; thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp; thôn Ruồng, xã Đèo Gia), dự kiến đầu tháng 11/2024 thẩm định.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2024, địa phương tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành nhiều dự án cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao, như: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ ĐT289 đi nhà văn hóa thôn Mịn To, xã Trù Hựu; Cải tạo, nâng cấp đường trục chính khu trung tâm xã Phượng Sơn - Tuyến QL31 vào Nhà văn hóa thôn Phượng Khê; Cải tạo, nâng cấp đường trục chính khu trung tâm xã Phượng Sơn - Tuyến QL31 vào Nhà văn hóa thôn Từ Xuyên; thực hiện nâng cấp mở rộng các tuyến đường huyện, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm và đường nội đồng…

Trong phát triển kinh tế, Lục Ngạn đã sớm xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo đó, UBND huyện đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tích cực tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển sản xuất nông nghiệp được UBND tỉnh, HĐND huyện giao; chủ động hướng dẫn nhân dân gieo trồng, phòng chống, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thực hiện đúng các quy trình sản xuất an toàn; tăng cường chuyển giao các tiến bộ KHKT; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp theo các nghị quyết của HĐND tỉnh. Tổ chức triển khai cấp chứng nhận VietGAP trên vải thiều, cam, bưởi trên địa bàn các xã. 

z5942819167930-4181c1c0aefc3ccb73cbd685d0510aac-1729262839.jpg
Du khách tham gia trải nghiệm du lịch miệt vườn tại các vườn vải thiều trĩu đỏ của Lục Ngạn.

Nhờ định hướng đúng và trúng, đến nay, diện tích vải thiều toàn huyện Lục Ngạn là 17.360 ha, sản lượng ước đạt khoảng 50.000 tấn (vải sớm khoảng 21.500 tấn đã cho thu hoạch từ ngày 20/5; vải chính vụ khoảng 28.500 tấn). Hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (cung ứng giống, phân bón, thuốc thú y, BVTV, nước tưới, dịch vụ làm đất, thu hoạch sản phẩm,...) đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.

Trong phát triển Văn hóa - Y tế - Giáo dục, đến nay, toàn huyện Lục Ngạn có 54.475/56.828 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 97,58%); 322/322 làng, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu làng văn hóa (đạt 100%); có 319/322 thôn, tổ dân phố đăng ký phong trào thôn, tổ dân phố Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn (đạt 99,1%). Đặc biệt, Lục Ngạn đã có 187/187 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hoá (đạt 100%); 

Giáo dục tiếp tục được quan tâm, trong đó chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, tổ chức hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp cho học sinh; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhất là giáo dục mũi nhọn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. 
Y tế tiếp tục được nâng cao, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân không ngừng được cải thiện;

Công tác phòng chống dịch tiếp tục được làm tốt. Chính sách dân số - KHHGĐ được thực hiện hiệu quả. Năm 2024, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hoàn thiện các tiêu chí Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm và hành nghề y dược tư nhân.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng cơ bản ổn định; không để phát sinh các vụ việc phức tạp và hình thành các điểm nóng về ANTT. 

Có thể thấy, sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn xã hội đối với nhiệm vụ XD NTM tại Lục Ngạn đã giúp mục tiêu của Chương trình phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, thu hút được sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XD NTM là tiền đề cơ bản giúp Chương trình được triển khai sâu rộng. Người dân được nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó phát triển và trở thành phong trào tự nguyện của toàn dân.

“Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên và của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, thời gian tới, Lục Ngạn xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội… để “thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn ngày thêm phát triển bền vững, trở thành một miền quê đáng sống”, ông La Văn Nam chia sẻ.

Bùi Cường - Đức Long

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bac-giang-trai-ngot-nong-thon-moi-tren-manh-dat-thu-phu-vai-thieu-a17865.html