Ngục trung nhật ký - Bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh (Phần 3 và hết)

Nhật ký trong tù với chất thơ của tác phẩm và phẩm chất thi sĩ ở tác giả. Xưa nay có văn là có người (cố nhiên phải là kiểu văn chương chân chính). Nhưng có nhiều loại văn.

lai-tan-1729179270.jpg
Hồ Chí Minh ở phương diện nào cũng là nói đến một tầm vóc lớn, một chân dung lớn, với khát vọng cao đẹp nhất là độc lập cho dân tộc và tự do cho con người. Ảnh: Internet

Trong văn, con người hiện ra rất khác nhau. Có văn khẩu khí. Có văn tự trào, tự biếm. Có văn phô trương. Có văn tâm sự. Có văn hướng về người. Có văn thu về mình... Còn Hồ Chí Minh, dường như Người không có ý định làm bất cứ loại văn gì, trong các dạng kể trên. Đến cả văn, còn không có ý định: Ngâm thơ ta vốn không ham 

Huống nữa là việc phô bày mình trong văn... Nhưng phải chăng với sự “vô tâm” đó mà văn chương đích thực đã đến, và trong khí hậu đó mà con người thi nhân đã xuất hiện. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, trên hành trình xuyên qua cái Đẹp mà hướng tới cái Chân, cái Thiện. 

Con người đó, cho đến hôm nay, trong sự soát xét lại các giá trị của thời gian, vẫn nguyên sự trọn vẹn như trong câu thơ của Tố Hữu:

Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng 

Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay 

(Theo chân Bác) 

Đâu dễ có một con người trong văn chương, nếu chưa được hoặc chưa phải là văn chương đích thực. Càng đâu dễ có một con người trọn vẹn. Không phải cái trọn vẹn của những siêu nhân, mà là cái trọn vẹn của con người trần thế, để cho ta soi vào mà vững thêm niềm tin trước một cuộc sống luôn luôn thử thách không chỉ niềm tin, mà cả chất người, phẩm giá làm người. 

Với Nhật ký trong tù, ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiều, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ - trong những lay động sâu xa về tình cảm, và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng... như trong Nhật ký trong tù lại là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được. 

Kể từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919) đến Di chúc (1969), trên hành trình 50 năm viết, qua rất nhiều thể, loại thơ và văn, Hồ Chí Minh đã để lại hai tác phẩm như hai tượng đài kề sát nhau, đó là Ngục trung nhật ký (1943) và Tuyên ngôn độc lập (1945). Một được viết trong tư cách người tù. Một trong tư cách lãnh tụ dân tộc - Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một như là viết cho riêng mình. Một là viết cho 25 triệu công dân Việt và hàng triệu bạn bè, anh em trên thế giới. 

Nói Hồ Chí Minh, bất cứ ở phương diện nào cũng là nói đến một tầm vóc lớn, một chân dung lớn, với khát vọng cao đẹp nhất là độc lập cho dân tộc và tự do cho con người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hai khát vọng được biểu trưng một cách đột xuất trong Ngục trung nhật ký và Tuyên ngôn độc lập, cả hai gắn nối với nhau để cùng xuất hiện trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc Việt. 

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguc-trung-nhat-ky-buc-chan-dung-tu-hoa-cua-ho-chi-minh-phan-3-va-het-a17822.html