Giải thích điều này là dễ, ở một con người mà mục tiêu bao trùm và kiên định cho suốt cuộc đời mình là cách mạng; và trên công cụ chữ nghĩa mà nói, thì báo chí chính là công cụ trực tiếp và có hiệu quả nhất cho sự nghiệp cách mạng, và ở đây Hồ Chí Minh đã “tôn trọng” sự thật khách quan. Điều chúng ta có thể khai thác, chắc không làm phật ý tác giả là: Trong sự nghiệp báo chí ấy, Hồ Chí Minh đã huy động tổng lực sức mạnh và khả năng của nhiều loại hình nghệ thuật.
Còn về nghệ thuật, nhất là thơ ca, như ta đã biết, Hồ Chí Minh đã dứt khoát không nhận về mình là nhà thơ. Thế nhưng có sự thật hiển nhiên là với việc viết Nhật ký trong tù cách đây hơn 80 năm, Hồ Chí Minh đã là một nhà thơ lớn và độc đáo; và với việc công bố Nhật ký trong tù, cách đây gần bẩy mươi năm, tác phẩm đã ngay lập tức được công nhận là một sự kiện văn học vang dội. Việc đi sâu vào chất thơ đích thực này, tôi nghĩ đã được giải quyết rất cân nhắc và thấu đáo trên nhiều bài của các bậc đàn anh có thẩm quyền trong giới sáng tác, phê bình. Cố nhiên không phải trên lĩnh vực này đã hết chuyện bàn, bởi lẽ với những tác phẩm lớn, việc khai thác các giá trị là không bao giờ có kết thúc.
Vào thập niên cuối thế kỷ XX, khi Hồ Chí Minh được thế giới suy tôn là danh nhân văn hóa, lại thấy nổi lên tính đa dạng và nhất quán trong sự nghiệp Hồ Chí Minh. Ông là người triệt để trong chủ trương đưa văn chương, rộng ra là công cụ chủ nghĩa để phục vụ cách mạng. Ông khuyên chúng ta: Văn nghệ là vũ khí, nhà văn là chiến sĩ, và bản thân ông là sự nêu gương. Ông còn nói chuyện về “cách viết”, để truyền đạt kinh nghiệm làm báo cho chúng ta. Suốt đời quên mình cho sự nghiệp cách mạng thì cũng suốt đời, từ Người cùng khổ đến Di chúc... những gì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết ra đều nhằm hướng tới công chúng đông đảo.
Chính trên mục tiêu đó, mà không chỉ Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh, Nhật ký chìm tàu, cho đến Lịch sử nước ta, Tuyên ngôn độc lập... mà ngay cả một khổ thơ nhỏ như Hòn đá, một đoạn thơ Xuân, nhân đầu năm mới, cũng đều mang một sức nặng không bình thường; một sức nặng nhân đôi của một khả năng giao cảm lớn; và không chỉ nhân đôi, vì đây là sự giao cảm với cả một dân tộc, cả một phần nhân loại. Với Hồ Chí Minh, văn chương phải tìm cho được con đường ngắn nhất và trực tiếp đến với quần chúng, và bởi lẽ đó, tác giả không ngần ngại nhận về mình tư cách nhà báo, và câu chuyện Viết cho ai? được tác giả nêu ở hàng đầu.
Cả một công chúng đông đảo, tuyệt đại đa số còn chìm trong tối tăm, đau khổ, khao khát tìm thấy trong văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh những nguyện vọng sâu thẳm nhất của lòng mình và những chân lý để chỉ dẫn cho hành động của mình. Và cũng khỏi phải nói thêm tính đa dạng ngay cả trong sự nghiệp báo chí đó, sự đa dạng của một cây bút luôn chọn được nội dung và cách nói thích hợp nhất để đến với rất nhiều tầng lớp người, ở nhiều nơi, qua nhiều giai đoạn, nhiều cuộc vận động lịch sử.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết trong suốt cuộc đời mình theo một nhu cầu khẩn thiết bên ngoài, như một động tác hướng ngoại triệt để. Thế nhưng trong sự nghiệp viết của tác giả lại có một bộ phận không nhằm vào các yêu cầu hướng ngoại, mà là hướng nội; không nhằm vào công chúng số đông mà dường như chỉ viết cho riêng mình, hoặc riêng cho một vài đối tượng; không quan tâm đến hiệu quả, mà viết rồi lại bỏ quên. Bộ phận này tác giả viết không nhiều, đôi khi mang tính ngẫu nhiên. Thế nhưng để hiểu về Hồ Chí Minh, về con người Hồ Chí Minh - con người trong toàn bộ sự nghiệp, trong đó có sự nghiệp báo chí, đây lại là bộ phận cực kỳ quan trọng. Nếu sự nghiệp báo chí của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho ta thấy sức mạnh của văn chương chính luận, văn chương tuyên truyền cổ động, thì thơ Hồ Chí Minh cho ta thấy ngọn nguồn tạo nên sức mạnh ấy.
Có con người ấy mới có văn chương ấy. Để hiểu sức mạnh hướng ngoại của văn chương Hồ Chí Minh lại phải tìm về các khả năng hướng nội, mà hẳn chỉ có thơ, như một sự bộc bạch trung thực của nội tâm mới có thể giúp ta nhận dạng... Như vậy quả là may mắn biết bao khi chúng ta có trong tay Nhật ký trong tù, hay nói rộng ra, có nhà thơ Hồ Chí Minh. Có con người ấy, con người Hồ Chí Minh như trong thơ, ta càng hiểu tác giả của hàng nghìn bài báo, tiểu luận, diễn ca, sử ca, tuyên ngôn, hiệu triệu, lời kêu gọi, thơ xuân của nửa thế kỷ hoạt động, qua hàng trăm bút danh. Có con người Hồ Chí Minh như trong Nhật ký trong tù ta càng có dịp nhận rõ chân dung người chiến sĩ cách mạng, người lãnh đạo, nhà lãnh tụ của dân tộc, cũng đồng thời là người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp, người cha, người bác thân yêu của biết bao thế hệ. Tóm lại đó là sự kết hợp nhiều con người trong một con người. Con người ấy, với tất cả sự giàu có và vẻ đẹp bên trong như được bộc lộ qua thơ văn, mà có sức mạnh của hành động, có sức mạnh đi đến cùng mọi mục tiêu của hành động, như trong sự nghiệp báo chí và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình.
GS. Phong Lê
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/su-nghiep-viet-cua-ho-chi-minh-va-hanh-trinh-cua-chan-thien-my-a17818.html