Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đã xuất hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chiến lược này, Việt Nam cần đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao, giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa quy trình làm việc.
Ông Lê Huy Nam cho rằng, những người có tay nghề cao thường có khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy sự đổi mới, phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh.
“Các chuyên gia và kỹ sư có tay nghề cao có khả năng phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình, tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nền kinh tế; là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Nhân lực có tay nghề cao có khả năng ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, môi trường và các vấn đề xã hội, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Lê Huy Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tiễn dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
“Đó là, chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn có yếu kém; chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo; nội dung chương trình đào tạo vẫn còn nhiều yếu tố không cập nhật... Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh, vướng mắc trong triển khai dạy văn hóa; các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển đào tạo nghề chưa đủ mạnh, chưa thu hút được nhiều người tham gia vào các ngành nghề kỹ thuật cao...”, ông Lê Huy Nam nêu rõ.
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nêu rõ thực trạng công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2020-2023 có lúc lên đến 8,4 triệu người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng khoảng 760.000 người, trình độ trung cấp hơn 1,1 triệu người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên hơn 6,5 triệu người.
Hiện có đến 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để trở thành trường chất lượng cao và giai đoạn 2019 - 2023 đã tuyển sinh hơn 975.000 người, chủ yếu là ở trình độ cao đẳng và trung cấp. Các trường cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh theo các bộ chương trình chuyển giao từ Australia, Đức và học viên theo học các chương trình này được cấp cả 2 bằng và được nhiều nước công nhận. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng hiện giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp trở ngại lớn, nhất là nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, chưa coi trọng kỹ năng khi phát triển sự nghiệp.
Để khắc khục những hạn chế, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng cần nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của kỹ năng nghề trong thị trường lao động tương lai. Về chuyên môn, ngành lao động xác định tiếp tục là gắn chặt đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động và đẩy mạnh đào tạo, đào tạo tại doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ của các trường; học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đi tắt đón đầu…
Từ thực tiễn, Tiến sỹ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vì lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... nhà trường đều có thể đầu tư. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong công tác đào tạo lao động chất lượng cao là mô hình và mô hình này bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình đào tạo, đào tạo tại trường và doanh nghiệp, hình thành một đội ngũ giảng viên ngay tại doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp và một số giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực; sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ bán dẫn, một lĩnh vực công nghệ cao đầy tiềm năng, thực trạng công tác đào tạo hiện nay; khó khăn và thách thức trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp chế biến và vận tải. Nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến cần có kết nối hiệu quả hơn giữa công tác đào tạo của các trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng từng kỹ năng mà doanh nghiệp cần trong chuỗi giá trị công nghiệp; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ của học viên, sinh viên tốt nghiệp trung cấp cao đẳng nghề…/.
PV (Theo TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thu-hut-doanh-nghiep-tham-gia-dao-tao-nhan-luc-co-tay-nghe-cao-a17811.html