Cần loại bỏ tâm lý 'thi gì, học nấy’ để tránh học lệch, học tủ

Theo Bộ GD&ĐT: “Bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ 3, năm nay thi xã hội, năm sau thi tự nhiên, sau nữa môn khác, hoặc có thể bốc thăm ngẫu nhiên…” để tránh tình trạng học lệch, học tủ của học sinh các cấp.

Từ lâu, trong tâm lý của học sinh và các bậc phụ huynh thì ba môn Toán, Văn, Anh là những môn học chính, được đầu tư cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc, còn các môn còn lại là môn phụ, học chỉ để đủ điểm lên lớp, tốt nghiệp. Cũng dễ hiểu, bởi ba môn học kể trên là những môn thi bắt buộc vào lớp 10, nên dễ sinh ra tâm lý “thi gì, học nấy”.

can-loai-bo-tam-ly-thi-gi-hoc-nay-tranh-hoc-tu-hoc-lech-1-1728898987.jpg
Cần loại bỏ tâm lý ‘thi gì, học nấy’ để tránh học lệch, học tủ. (Ảnh: Báo Bình Dương Online)

Cần loại bỏ tâm lý “thi gì, học nấy”

Từ tâm lý phân biệt môn chính - môn phụ trong trường học, vô hình chung các học sinh sẽ ưu tiên giành nhiều thời gian, công sức cho môn chính hơn. 

Theo cô Phạm Thị Hà, một giáo viên Mỹ thuật ở Hà Nội chia sẻ, không ít lần trong tiết dạy bắt gặp cảnh học trò giấu sách Toán, Văn, Anh trong ngăn bàn, thi thoảng lại kéo ra để đọc, hí hoáy làm bài tập. Khi được hỏi, học sinh hồn nhiên trả lời do sắp tới có tiết kiểm tra nên các em tranh thủ ôn bài. “Trong tiết dạy Mỹ thuật mà học sinh lại đem sách môn khác ra để học, thử hỏi có giáo viên nào không tủi thân và chạnh lòng”, cô Hà trải lòng. 

Cũng theo cô Phạm Thị Hà, hiện nay trong ngành giáo dục, không có văn bản nào quy định hay phân biệt môn chính - môn phụ. Tuy nhiên các môn học phục vụ các kỳ thi như Toán, Văn, Anh thường được nhà trường quan tâm hơn. Cũng chính bởi vậy mà học sinh và phụ huynh tự ngầm hiểu với nhau, đây là môn chính. Học trên trường chưa đủ, còn tìm đến các trung tâm, lớp học thêm để củng cố kiến thức.

Phân biệt môn chính - môn phụ gây hệ lụy xấu tới tương lai

Tâm lý phân biệt môn chính, môn phụ thực chất không đến từ bản thân học sinh. Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, lỗi không hoàn toàn do trẻ mà đến từ phía gia đình, nhà trường và sâu xa hơn là do những chính sách thi cử. Điều này thể hiện từ cách thầy cô dạy học, đến việc phụ huynh đốc thúc con cái học tập và cách chọn môn thi vào lớp 10, vào đại học.

“Ngay từ cấp tiểu học, đã có những trường hợp giáo viên lấy giờ học môn khác ra dạy Toán và Tiếng Việt. Về nhà, nhiều phụ huynh quản lý việc học của con cũng dành phần lớn sự quan tâm đến hai môn học này”, TS Hương chia sẽ thêm.

Việc chỉ tâm trung vào “môn chính” và lơ là các “môn phụ” dẫn đến sự thiếu cân bằng trong tư duy, thậm chí để lại hậu quả nguy hiểm đến tương lai sau này. Biểu hiện ở việc, có nhiều học sinh học Toán, Văn, Anh rất tốt, điểm số cao chót vót, nhưng lại thiếu những hiểu biết cơ bản trong cuộc sống, thậm chí ''còn chẳng biết cây rau muống, rau ngót hình thù ra làm sao hay con cá chép khác cá trôi thế nào…”.

Khi học tốt ba môn Toán, Văn, Anh, các em sinh ra tâm lý “ảo tưởng sức mạnh”, cho rằng mình là học sinh giỏi. “Tuy nhiên thực tế các em lại đang thiếu hụt những kiến thức khác về đời sống, xã hội, dẫn đến việc ra đời dễ mắc lỗi, gặp thất bại. Không ít trường hợp khi được hỏi về các danh nhân lịch sử đều trả lời sai. Hay ngay việc giao tiếp cơ bản, học sinh cũng không đủ tự tin", TS Hương nhấn mạnh. 

Nữ tiến sĩ cho rằng, trong hệ thống giáo dục, các môn học đều có vai trò quan trọng việc cung cấp tri thức, đồng thời góp phần định hướng, hình thành nhân cách, kỹ năng.

Trong khi các môn tự nhiên giúp rèn luyện tư duy logic và khả năng suy luận, thì các môn xã hội mang đến những bài học đạo đức quan trọng. Sự tiếp cận đa dạng giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển tối đa khả năng cá nhân của mình. Vì vậy cần bỏ ngay quan niệm ''môn không thi không học''.

TS Vũ Thu Hương đề xuất “Nên đa dạng môn thi vào lớp 10, học sinh được quyền tự do lựa chọn, không nhất thiết chỉ chăm chăm ba môn Toán, Văn, Anh”. Và để làm được điều này, cần cả hệ thống giáo dục cần thay đổi nhằm tôn trọng năng lực của học sinh.

Mới đây, trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ ba, có thể quy định không cố định một môn, năm nay thi xã hội, năm sau thi tự nhiên, sau nữa môn khác, hoặc có thể bốc thăm ngẫu nhiên như dự thảo nêu”. Việc làm này để tránh tình trạng học tủ, học lệch của học sinh. 

Hương Trà (TH)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/can-loai-bo-tam-ly-thi-gi-hoc-nay-de-tranh-hoc-lech-hoc-tu-a17802.html