Ý nghĩa “Tuần lễ vàng”
Chỉ 2 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 04 thành lập Quỹ Độc lập. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.
Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nói rõ về việc này. Người viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ vàng” là ở đó”; theo Báo “Cứu Quốc”, số 45, ngày 17/9/1945).
Khi Tổ quốc cần, giới doanh nhân ắt có mặt
Ngày 18/9/1945, tại Nhà hát Lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ các nhà tư sản Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.
Đúng với câu nói: “Khi Tổ quốc cần, giới doanh nhân ắt có mặt”, ngay sau lời kêu gọi và phát động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, giới doanh nhân Việt Nam là ngay lập tức “vào cuộc”, đóng góp của cải, vật chất giúp đất nước vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Điển hình phải kể đến tấm gương một số doanh nhân tiêu biểu:
Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) ủng hộ “Tuần lễ vàng” 117 lượng vàng. Kể cả đóng góp trong “Tuần lễ vàng”, tổng cộng vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ cách mạng lâm thời 5.147 lượng vàng.
Bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn tơ lụa Lợi Quyền (Hà Nội) đóng góp 109 lượng vàng cho “Tuần lễ vàng”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Gecko (Hà Nội) đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg cho “Tuần lễ vàng”. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng.
Bà Nguyễn Thị Lãm, vợ ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ (Hà Nội) đã đem 300 lượng vàng đóng góp cho “Tuần lễ vàng”.
Vợ chồng ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền, chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai, Hà Nội; chủ một nhà máy dệt ở Gia Lâm, Hà Nội và một đồn điền lớn tại Chi Nê, Hòa Bình ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lượng vàng trong “Tuần lễ vàng”.
Không chỉ góp tiền và vàng, nhà tư sản dân tộc yêu nước Đỗ Đình Thiện chính là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tài chính – tiền tệ của chính quyền cách mạng non trẻ bằng việc hiến tặng nhà in và đồn điền cho chính quyền làm nhà máy in tiền.
Tổng kết, trong “Tuần lễ vàng” các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Hương Trà (TH)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhin-lai-tuan-le-vang-va-quy-doc-lap-khi-to-quoc-can-gioi-doanh-nhan-at-co-mat-a17741.html