Bạch Thái Bưởi - Chúa sông Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam

Khi nói đến những người giàu có nhất của đất Việt, không thể không nhắc đến cái tên Bạch Thái Bưởi - “tứ đại gia” không chỉ của Việt Nam mà là xứ Đông Dương đầu thế kỷ XX. Ông đã ghi danh vào sử sách với biệt danh "Chúa sông Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam".

bach-thai-buoi-1-1728439834.jpg
“Ông vua đường thủy” Bạch Thái Bưởi

Bạch Thái Bưởi (1874-1932), khác với những doanh nhân đương thời, “ông vua đường thủy” sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Yên Phúc, nay là phường Phúc La, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Tuổi thơ của ông lớn lên nhờ gánh hàng rong của mẹ vì cha mất sớm, nhưng không vì thế mà khiến ông nản chí. 

Vốn họ Đỗ nhưng vì cha mất sớm, ông được một người nhà giàu họ Bạch nhận làm con nuôi, lấy tên là Bạch Thái Bưởi và cho đi học. Một thời gian sau, khi đã có được một ít chữ nghĩa, ông thôi học đi làm thư ký cho công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Lúc đấy ông lấy tên là Ký Năm. Nhờ vào trí thông minh, nhanh nhạy của mình, ông được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cử sang Pháp dự hội chợ Bordeaux. 

Khi được tiếp cận nền văn minh phương Tây, ông về nước và bắt đầu nung nấu ý tưởng làm kinh doanh. Thay vì “tự thân vận động” ngay từ đầu, Bạch Thái Bưởi chọn “bắt tay” với người Pháp, trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, chính là cầu Long Biên ngày nay. Năm 1902, cầu được khánh thành cũng là lúc ông đã có số vốn lận lưng kha khá.

Nghiệp kinh doanh đem đến danh tiếng lẫy lừng cho doanh nhân họ Bạch bắt đầu vào năm 1909, khi ông thuê lại ba chiếc tàu của một doanh nghiệp Pháp và mở tuyến giao thông đường biển Nam Định - Hà Nội - Bến Thủy. Tháng 04/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng với cơ ngơi đồ sộ nằm trên bờ sông Tam Bạc. Ông chính thức tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận các nước như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore... Trước khi qua đời vào năm 1932, ông được xưng tụng là "vua tàu thủy Việt Nam" khi tự thiết kế và thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam - tàu Bình Chuẩn.

Không chỉ có đóng góp về phát triển kinh tế, Bạch Thái Bưởi còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hoá. Ông bỏ vốn xây dựng nhà in lớn ở Hà Nội thời bấy giờ, mang tên “Đông kinh ấn quán” và xuất bản tờ Nhật Báo khai hoá (số đầu tiên ra ngày 15/7/1921). Tuy Nhật báo khai hoá chỉ ra được 22 số rồi đình bản, nhưng sự khởi động về văn hoá của nó rất tiến bộ và rất đáng được trân trọng.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi chính là tấm gương “làm giàu với hai bàn tay trắng” tiêu biểu của Việt Nam, từng được nhận xét là “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”. 

Hương Trà (TH)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bach-thai-buoi-chua-song-bac-ky-vua-tau-thuy-viet-nam-a17736.html