Trịnh Văn Bô - Nhà tư sản yêu nước giàu có bậc nhất Hà thành thế kỷ XX

Nhắc đến những doanh nhân Việt giàu có nhất thế kỷ XX không thể không nhắc đến cái tên Trịnh Văn Bô - nhà tư sản yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc. Ông cũng chính là vị doanh nhân đã hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng trong giai đoạn đất nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

trinh-van-bo-1-1728439606.jpg
Doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô và vợ của mình, bà Hoàng Thị Minh Hồ

Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang - căn nhà có ý nghĩa lịch sử to lớn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trong ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến giữa năm 1940, ông Trịnh Văn Bô được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và có kinh doanh cả ngành bất động sản.

Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông lại kinh doanh trên triết lý rất nhân văn: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức". Chính bởi vậy, năm 1945, khi Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tuần lễ vàng”, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. 

Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Không sai khi nói ông Trịnh Văn Bô và gia đình là tấm gương tiêu biểu trong giới công thương Việt Nam. Vợ ông - bà Hoàng Thị Minh Hồ từng chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, đóng góp hết rồi chúng tôi sẽ làm ra. Độc lập dân tộc không thể để mất, vì mất rồi bao giờ thế hệ sau mới lấy lại được”. Câu nói bất hủ này của bà được lưu lại trong sử sách hội đồng họ Trịnh Việt Nam.

Không chỉ cống hiến cho cách mạng những năm gian khó nhất, năm 1955, khi gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô từ vùng kháng chiến về Hà Nội, ông đã được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu. Ông qua đời năm 1988 tại Hà Nội. Còn vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ là một trong những người thời kỳ đầu thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 1974, bà nghỉ hưu và sống cùng cháu con đến khi ra đi ở căn biệt thự 34 Hoàng Diệu.

Hương Trà (TH)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/trinh-van-bo-nha-tu-san-yeu-nuoc-giau-co-bac-nhat-ha-thanh-the-ky-xx-a17735.html