Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Quyết không phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài

Rút kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị, Bộ Giao thông vận tải đang đang tính toán công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nước phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam ngay từ bây giờ.

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt chgo biết hiện Bộ Giao thông Vận tải đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án. Theo đó, có những nhân lực sẽ được đào tạo từ sớm (ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư) để nghiên cứu loại hình, công nghệ đầu tư, quản lý dự án.

Theo thông tin sơ bộ về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến sử dụng nhân lực phục vụ cho công tác xây dựng khoảng 180.000 người, phục vụ vận hành và khai thác khoảng 13.880 người, nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý khoảng 700 người và khoảng 1.200 kỹ sư tư vấn.

Dự án đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).

duongsatcaotoc-1728286713.jpg
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, Bộ Giao thông Vận tải nhận thức được áp lực trong bài toán nhân lực trước kinh nghiệm triển khai đường sắt đô thị. Do vậy, công tác đào tạo đã được tính từ bây giờ, từ nguồn chủ thể trong các cơ quan quản lý Nhà nước, đến đội ngũ nhân lực tư vấn, vận hành và khai thác. Công tác đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài cũng đã được tính đến.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng nhấn mạnh vấn đề tinh thần độc lập, tự lập, tự cường và tự chủ trong triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Như việc lựa chọn công nghệ của quốc gia nào, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay: “Việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là điều kiện chuyển giao công nghệ của các nước như thế nào, không phải chỉ giá thành ra sao. Giá thành là một yếu tố, khả năng chuyển giao và hỗ trợ công nghệ thế nào là quan trọng, mang tính quyết định. Trong bước nghiên cứu khả thi của dự án sẽ tính toán cụ thể các yếu tố kỹ thuật để làm căn cứ lựa chọn”.

Hay đối với việc phát triển công nghiệp đường sắt, vị Thứ trưởng này cho rằng, tại Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ lõi, tuy nhiên công nghệ phụ trợ hoàn toàn có thể làm chủ, chỉ cần chuyển giao một số máy móc, thiết bị, công nghệ. Bên cạnh đó là công nghiệp xây dựng, từ cầu, đường, hầm đã có thể làm chủ.

Điển hình như cầu dây văng như Mỹ Thuận 2 đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Về làm hầm, những doanh nghiệp như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần.Về đoàn tàu đã nâng cấp toàn bộ các toa xe cũ thành các toa xe chất lượng cao, chạy tàu SE21/SE22 giữa Tp. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, rất đông khách du lịch, thường xuyên cháy vé.

Trước đó, người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải, Chánh Văn phòng Uông Việt Dũng cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của dự án và phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, đề án đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.

PV (Tổng hợp)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-quyet-khong-phu-thuoc-vao-nhan-luc-nuoc-ngoai-a17716.html