Thơ và phong cách văn thơ Hồ Chí Minh (Phần 3 và hết)

Một tập thơ dường như ngẫu nhiên mà ra đời, rồi ngẫu nhiên bị quên: Thế mà gần hai mươi năm sau lại gây một sự kiện vang dội.

28-1-bac-ho-ve-nuoc-15-43-34-316-1727881970.jpg
Tranh vẽ Bác Hồ về nước năm 1941. Ảnh: Internet

Ở đây điều quan trọng không phải Hồ Chí Minh đã là nhà thơ lớn từ năm 1943, khi làm Nhật ký trong tù, hoặc phải chờ đến năm 1960, khi tập thơ được phát hiện. Đối với Hồ Chí Minh, trước sau, tác giả đều khéo léo hoặc cương quyết không nhận mình là nhà thơ. Điều quan trọng là, Nhật ký trong tù đã sống cuộc sống xứng đáng của nó, đã gieo trồng được những giá trị văn minh và nhân đạo cao nhất vào đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Biết bao người, trong đó, có không ít nhà văn hóa lớn, hoặc nghệ sĩ tên tuổi ở trong nước và trên thế giới đã nói về giá trị lớn của tập thơ.

Và giờ đây giả thử nếu thiếu đi Nhật ký trong tù, nếu vì một sự sắp xếp nào khác của lịch sử để không có tập thơ, hẳn chúng ta sẽ nhận rõ một sự trống thiếu biết chừng nào. Ba mươi năm xa đất nước, trong thân phận đại diện cho một dân tộc còn bị nô lệ, và trong những gian lao người cách mạng phải nếm trải, phải thay tên đổi họ hàng trăm lần, Nguyễn Ái Quốc không muốn để lại dấu vết gì về mình. Ở tất cả các bài báo, thư từ, tiểu phẩm, người viết đều không hề có ý nghĩ làm văn chương, càng không có chủ định miêu tả hoặc tự họa... Thế mà rồi có lúc Hồ Chí Minh đã làm việc đó một cách không có chủ định, không có chuẩn bị. Nhà hoạt động cách mạng, người tù Hồ chí Minh đã làm thơ, và từ những bài thơ đích thực soi tỏ và phản chiếu trung thành tâm hồn và phẩm cách con người, lớp lớp các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau sẽ có thêm bao điều để cảm kích, để nghĩ suy, đề ngạc nhiên, và xúc động... 

Có nhà nghiên cứu ca ngợi văn tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc là rất Pháp hoặc thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh để lẫn vào thơ Đường - Tống cũng không sao. Đó là một nhận xét hay. Nhưng một hướng khai thác khác cũng nên đặt ra là khi viết bằng tiếng nước ngoài nào, tác giả vẫn là người Việt Nam, hơn nữa, vẫn là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh - người mà bất cứ hoàn cảnh nào, giờ khắc nào, tâm trí cũng như chiếc kim địa bàn, nhạy bén và kiên định, quay trở về dân tộc. Có phải vì thế mà Osip Madelstam đã có nhận xét rất tình: “Đồng chí nói tiếng Pháp, tiếng của những kẻ bóc lột đồng chí, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm trầm lắng xuống như tiếng vọng bị nén lại của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí”. 

Nếu chú ý ngôn ngữ như là công cụ thứ nhất của thơ văn thì việc viết lịch sử văn học, hoặc làm hợp tuyển văn thơ phải chú ý đến tác giả Hồ Chí Minh - là người viết bằng nhiều thứ tiếng, trong đó ở khu vực tiếng Pháp và tiếng Hán, tác giả đã để lại nhiều áng thơ văn có giá trị. Nhưng mặt khác, điều hợp lẽ và tất yếu là các ô phận ấy của văn thơ Hồ Chí Minh vẫn là một khu vực của văn học cách mạng hiện đại Việt Nam, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản - khi các mối giao lưu quốc tế đã là phổ biến, và trở thành đặc điểm mới của thời đại. 

Hành trình tìm đường của Nguyễn Ái Quốc là từ Đông sang Tây, từ dân tộc mà ra nhân loại. Nhưng đích cuối cùng của Nguyễn Ái Quốc là trở về phương Đông, về với dân tộc. Văn thơ Nguyễn Ái Quốc là sản phẩm của một người sử dụng sành sỏi nhiều thứ tiếng, nhưng luôn luôn không nguôi niềm khao khát viết tiếng Việt, và nói với đồng bào. Người đi khắp năm châu bốn biển, nhưng trong ngôn ngữ thường ngày vẫn quen thuộc với tiếng nói dân tộc và ngay đến ngôn ngữ địa phương Nghệ - Tĩnh, vẫn cứ không quên. Người về nước, trực tiếp làm báo tiếng Việt cho đồng bào xem, nhưng vẫn biết dùng cả tiếng Tày, Nùng, Dao - tiếng của các dân tộc thiểu số, để cùng sống, sinh hoạt với nhân dân nơi căn cứ địa.

Nhiều người đã nói đến sự kết hợp giữa một “cốt cách cổ điển” với những “sáng tạo hiện đại”, giữa truyền thống và cách tân, giữa phương Đông và phương Tây”, như một đặc sắc trong văn thơ Hồ Chí Minh. Dẫu vậy điều mới mẻ không phải chỉ ở chỗ phát hiện cho thấy trong văn thơ Hồ Chí Minh có nhiều âm điệu. Vấn đề còn là ở chỗ: Từ sự tổng hòa, sự kết hợp của những âm điệu ấy vẫn có một nét gì riêng, được chung đúc, làm nên phong cách văn thơ Hồ Chí Minh. Viết Bản án chế độ thực dân Pháp trong phong cách hiện đại sắc sảo cho công chúng phương Tây, hay viết bằng chữ Hán trong phong cách trang trọng của cổ thi cho một nhật ký thơ, tưởng như chỉ để riêng cho mình đọc, hoặc lưu lại một kỷ niệm, với tất cả hiệu quả có được, dường như vẫn chưa phải là điều Nguyễn Ái Quốc muốn đạt đến.

Cái tác giả muốn đạt đến là sao cho văn thơ viết ra, được chính đồng bào mình, tức những người nghèo khổ nhất, những người bị thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội, đọc và hiểu được, tức là với một phong cách thơ sao cho đạt được sự giản dị nhất - một sự giản dị bắt nguồn sâu trong truyền thống cảm nghĩ của dân tộc, và gắn bó mật thiết với nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Phải chăng đó mới chính là phần lắng sâu nhất, ổn định nhất của văn phong Hồ Chí Minh, cái phần làm rung động mạnh mẽ nhất con tim khối óc của hàng chục triệu nhân dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Con người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, sử dụng sành sỏi bao nhiêu thứ tiếng, con người ấy vẫn là một mẫu mực tuyệt vời của văn phong dân tộc. Con người có đủ mọi chìa khóa ngôn ngữ để đến với mọi lớp người, thuộc mọi lứa tuổi, mọi trình độ khác nhau, bất cứ ở phương trời nào, nhưng trên tất cả, vẫn là nhằm nói và viết cho đồng bào mình. Con người giàu có bao nhiêu kiến thức, tiếp nhận và tiêu hóa bao nhiêu tinh hoa của nhân loại, nhưng thấm sâu vào tất cả vẫn là một cái gì rất Việt Nam, và rất “Hồ Chí Minh”, không bắt chước ai và cũng không ai bắt chước được. 

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tho-va-phong-cach-van-tho-ho-chi-minh-phan-3-a17673.html