Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam yêu nước, vì dân, vươn tầm thế giới

Thu hút 80% nhân lực và đóng góp 45% GDP, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, thương dân cùng đất nước phát triển, với tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”

Sáng 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 12 Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của đất nước.

hn2-6829jpg-1726897515.webp
Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước, song đây là lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân - là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Thủ tướng cho biết, hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%. Một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Trong “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, chỉ đạo điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp quan trọng, giúp Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi sau, về trước trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cùng với chống đại dịch, tình hình thế giới diễn biến khó lường, nhất là khó khăn về phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân tiếp tục cùng cả nước vượt qua các khó khăn, thách thức khôi phục kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động an sinh xã hội với truyền thống “tương thân tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn, đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, chúng ta đang bước sang giai đoạn chuyển mình của đất nước, tổng kết 40 công cuộc Đổi mới, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Có được điều này cũng là nhờ sự nỗ lực của toàn xã hội, toàn dân, trong đó, đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Vị thế đất nước ngày nay của Việt Nam đã khác; tuy nhiên, chúng ta còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Do đó, Thủ tướng mong các nhà doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng của dân tộc, là di sản văn hóa, là điểm tựa của đất nước, đó là “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, "tương thân, tương ái", để chúng ta tiếp tục phát triển trên tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển.

thao-2-1726898694.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các doanh nghiệp dự Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng mong các doanh nghiệp phát huy tính tự lực, tự cường để cùng nhau vượt qua khó khăn; chúng ta phải có đột phá, bứt phá từ nay đến hết nhiệm kỳ này với thời gian chỉ còn hơn 1 năm; bước sang kỷ nguyên mới vào năm 2030, đất nước tròn 100 năm Đảng Cộng sản lãnh đạo: đất nước phải có những công trình lớn, biểu tượng của đất nước để chào mừng sự kiện lớn này.

Thủ tướng khái quát lại tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa kết thúc thành công có nhiều điểm đột phá: đưa ra các phát triển đột phá, trong đó có đột phá lớn nhất về thể chế - là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; có những công trình biểu tượng, mang tính động lực, dẫn dắt, truyền cảm hứng cho cả dân tộc; chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội; thích ứng thiên nhiên, thuận thiên trong phát triển; có các chương trình, dự án, tập trung xây dựng đề án sắp xếp lại dân cư tại những vùng sạt lở; chống hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long; lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp tư nhân cần phát huy khí thế này để phát triển đất nước; tiếp tục tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiên phong trong các đột phá chiến lược, nhất là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần thông cảm, chia sẻ trong thời gian tới; cùng bàn, cùng lắng nghe, thống nhất các vấn đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

PV (Tổng hợp)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-viet-nam-yeu-nuoc-vi-dan-vuon-tam-the-gioi-a17540.html