Mỗi dịp Tết đến xuân về, các dân tộc lại có những phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo để cầu may mắn và bình an. Mỗi phong tục với nét đặc trưng văn hoá riêng góp phần tạo nên những bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh Tết của Việt Nam.
Người Lô Lô và tục "ăn trộm lấy may"
Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì cho năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay lấy những vật có giá trị.
Với người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn, họ thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn với người Lô Lô ở Mèo Vạc thì số may mắn là số 3, có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau. Điều thú vị là khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.
Người H'mông và tục "vỗ mông tỏ tình"
Theo văn hóa của người Việt thì việc vỗ mông người khác được cho là hành vi khiếm nhã. Thế nhưng đối với người người H'mông vào dịp Tết, đây là một nét văn hóa riêng. Cụ thể, vào mùng 2 Tết Nguyên đán, trong lễ hội Sài Sán, ngoài những hoạt động vui chơi thú vị thì nam thanh nữ tú còn tranh thủ vỗ mông nhau để… "thoát ế".
Trong lễ hội đó, nếu để ý cô gái nào đó, chàng trai có quyền tiến tới để vỗ mông thay cho lời tỏ tình. Cứ thế, nếu thích anh chàng vừa vỗ mông mình thì cô gái vỗ lại chứng tỏ đã đồng ý. Cứ thế cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại đủ 9 lần, ngầm hiểu rằng, cả hai đã thuộc về nhau.
Người Pu Péo "cướp" giọng gà
Cướp giọng gà" là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang. Khi đến thời khắc giao thừa, người Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống, khi nào gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy.
Người Pu Péo quan niệm tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Người Mường gọi trâu về ăn Tết
Giống như nhiều dân tộc khác sống trên đất nước Việt Nam, phong tục đón Tết Nguyên đán được người Mường coi là một trong những lễ hội lớn của năm. Tuy nhiên, trong ngày Tết, bên cạnh những phong tục truyền thông như gói bánh chưng, thờ cúng tổ tiên, người Mường còn có những điều khác biệt, mang đậm bản sắc riêng.
Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.
Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời "những người bạn đồng hành" này về ăn Tết với gia đình về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
Người Thái và tục "gọi hồn" dịp Tết
Ở Việt Nam, người Thái có khoảng hơn 1 triệu người, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An...
Nhắc đến phong tục ngày Tết của người Thái, không thể không nhắc đến phong tục gọi hồn diễn ra vào tối 29 và 30 Tết. Mỗi gia đình thịt 2 con gà, một để cúng tổ tiên, một là để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Việc gọi hồn này được một thầy cúng đứng ra giúp đỡ. Đầu tiên thầy cúng sẽ lấy những chiếc áo của tất cả các thành viên trong gia đình, buộc lại với nhau đặt lên vai, sau đó thầy sẽ cầm một cây than củi còn nóng đỏ rực và liền ra đầu làng để gọi hồn. Sau 2, 3 lần gọi, thầy cúng sẽ quay về nhà gia chủ tiếp tục gọi một lần nữa dưới chân cầu thang.
Cuối cùng để kết thúc nghi lễ, thầy cúng sẽ cột vào tay của những thành viên trong gia đình gia chủ một sợi chỉ đen để xua đuổi tà ma trong năm mới.
Người Pà Thẻn và tục “thờ bát nước lã”
Trên mỗi bàn thời của người Pà Thẻn tại Hà Giang đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng quanh năm. Bát nước này phải luôn được đậy kín vào không bao giờ để cạn hết nước. Phải chờ đến tháng 6, chủ nhà mới được mở chiếc bát ra để cho thêm nước vào.
Vào đêm giao thừa, nhà nào cũng sẽ đóng kín cửa, từ cửa ra vào, cửa sổ, cửa hậu..., cẩn thận cài then vào bịt hết những lỗ hở ra ngoài. Trong nhà, gia chủ sẽ hạ bát nước xuống để lau chùi sạch sẽ và thay nước mới để chào đón năm mới đến.
Những hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà. Người Pà Thẻn quan niệm, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên...
Tục Tết Nhảy của người Dao
Với quan niệm ngày Tết, mùa xuân là dịp để bà con buôn làng vui chơi, thăm hỏi và chúc nhau một năm mới tốt lành nên ở các tộc người Dao đã xuất hiện tục Tết Nhảy để thể hiện hết những mong ước trên. Không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết Nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước.
Những người tham gia Tết Nhảy sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Mỗi dịp Tết Nhảy mọi người sẽ múa, nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chuông, trống rộn rã sức xuân.
Người Hà Nhì xem bói gan lợn
Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón Tết sớm hơn so với lịch chung của Tết cổ truyền Việt Nam. Người dân tộc Hà Nhì không có ngày ăn Tết cụ thể như những dân tộc khác, thay vào đó, những vị già làng, trưởng bản sẽ cùng bàn bạc và thống nhất lựa chọn ngày ăn Tết cụ thể cho dân làng.
Trong ngày Tết của người Hà Nhì thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới.
Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn 60-100kg, thậm chí 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg. Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết. Ngoài tục xem bói gan lợn, người Hà Nhì còn phải chuẩn bị những chiếc bánh riêng để cúng bái tổ tiên của nhà mình.
Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
VŨ VÂN(tổng hợp)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/phong-tuc-don-tet-co-mot-khong-hai-cua-cac-dan-toc-viet-nam-a1753.html