Đường lối, chính sách và chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cơ sở, tiền đề mang tính quyết định đối với nhân tố chính trị - tinh thần của toàn dân và lực lượng vũ trang trong chiến tranh.
Đặc biệt, đối với lực lượng vũ trang khi bước vào chiến tranh, nhân tố chính trị - tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh chiến đấu. Đương nhiên bối cảnh chiến tranh chắc chắn đặt ra vấn đề giữ vững và phát huy hiệu quả của nhân tố chính trị - tinh thần, trực tiếp là tinh thần chiến đấu, luôn phụ thuộc vào kết quả xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước từ thời bình. Song, tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang còn chịu sự tác động lớn bởi thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, cũng như khả năng trang bị vũ khí cùng công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến tranh.
Từ những khía cạnh trên, việc chuẩn bị nhân tố chính trị tinh thần, nhất là tinh thần chiến đấu cho lực lượng vũ trang, trước hết cần tập trung xây dựng tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu chế độ, lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đó là xây dựng và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm, tinh thần dám đánh, quyết đánh, quyết thắng.
Chuẩn bị nhân tố chính trị - tinh thần cho lực lượng vũ trang trong xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân bao hàm xây dựng tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, cần giáo dục cho lực lượng vũ trang thấy hết những thuận lợi, khó khăn khi phải đối phó với chiến tranh công nghệ cao của địch. Bởi lẽ, một trong những tiêu chí cốt lõi đánh giá chất lượng chuẩn bị nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh là có đủ ý chí quyết tâm, tâm lý vững vàng, sẵn sàng vượt qua thử thách chiến tranh, nhất là chiến tranh công nghệ cao.
Trong điều kiện thời bình cũng như khi đất nước chuyển sang trạng thái chiến tranh, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp có ý nghĩa quyết định đối với việc giữ vững và phát huy cao độ nhân tổ chính trị - tinh thần của lực lượng vũ trang. Để giữ vững và phát huy nhân tố này còn cần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, coi trọng công tác chính sách. Đó còn là tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội nhân dân, thực hành chiến đấu có hiệu quả, phát huy vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang...
Việc giữ vững và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của lực lượng vũ trang còn gắn chặt với thường xuyên cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý cùng với các thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp của các thế lực thù địch; dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn gây chiến tranh xâm lược của địch, chủ động chuyển đất nước sang thời chiến; đồng thời tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tích cực đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao làm rõ tính chất chính nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, củng cố liên minh chiến đấu với các nước anh em.
Cũng chính từ lý luận và thực tiễn về chiến tranh và hòa bình, có thể thấy nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang là một trong những vấn đề cốt lõi của việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân.
Toàn dân tiến hành chiến tranh, song phải trên cơ sở lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Chiến tranh bất luận thế nào đều có sự tham gia của quân đội, của lực lượng vũ trang. Vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, của Quân đội nhân dân trong chiến tranh thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, lực lượng vũ trang, quân đội là lực lượng trực tiếp chiến đấu chống quân thù, quyết định sự thành bại trên chiến trường; thứ hai, lực lượng vũ trang, quân đội là lực lượng hướng dẫn, tổ chức, giúp đỡ, động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên tự bảo vệ mình và tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh.
Quan điểm về toàn dân tham gia chiến tranh và lực lượng vũ trang làm nòng cốt thể hiện rõ là hai mệnh đề quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện đầy đủ tính toàn dân của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Toàn dân tiến hành chiến tranh không chỉ là sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, mà còn là sự tham gia của lực lượng vũ trang với tư cách là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân.
Từ lý luận và thực tiễn của vấn đề chiến tranh và hòa bình, có thể thấy công cuộc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, nhất là lực lượng vũ trang, cần hướng đến sẵn sàng chuyển ngay sang được trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và sẵn sàng chiến đấu toàn bộ bất cứ khi nào có tình huống chiến tranh xảy ra. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là chuẩn bị chu đáo khả năng và các phương án điều chỉnh tổ chức, biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng thủ chiến lược, kể cả lực lượng chủ lực cơ động của Bộ và nhất là các lực lượng chiến đấu tại chỗ.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuan-bi-chinh-tri-tinh-than-cho-luc-luong-vu-trang-phan-1-a17519.html