Lực lượng quốc phòng toàn dân phải tự bảo toàn và tăng cường khả năng chiến đấu khi chiến tranh xảy ra

Từ lý luận và thực tiễn vấn đề chiến tranh và hòa bình cho thấy, ngay từ thời bình, việc xây dựng lực lượng quốc phòng đã phải được triển khai toàn diện, cả xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng lực lượng phi vũ trang của nền quốc phòng toàn dân.

1681791188196-22-1726759218.jpg
Lực lượng vũ trang thực hành huấn luyện bám sát thực tiễn chiến đấu. Ảnh: Báo Hải Phòng

Hơn nữa, công cuộc xây dựng lực lượng quốc phòng phải tính đến đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Điều đó có nghĩa là tất cả các lực lượng vũ trang và phi vũ trang đều phải đủ khả năng bước ngay vào cuộc chiến tranh (nếu xảy ra) với sự sẵn sàng hoàn toàn về mọi mặt. Mặt khác, ngoài việc chăm lo xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, lực lượng nòng cốt trong nền quốc phòng toàn dân sẵn sàng phòng ngừa, răn đe và đối phó với chiến tranh xâm lược, còn phải đặc biệt chú trọng tổ chức, xây dựng các lực lượng nòng cốt để sẵn sàng đối phó với các hình thức tiến hành chiến tranh phi truyền thống của các thế lực thù địch.

Mục tiêu của chiến tranh phi truyền thống không chỉ nhằm trực tiếp vào chủ quyền lãnh thổ đất nước mà còn nhằm vào từng đối tượng con người (chiến tranh tâm lý), vào các ngành kinh tế trọng yếu (chiến tranh kinh tế), vào hệ thống lưu giữ, xử lý, điều hành thông tin (chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng), được tiến hành bằng cả “vũ khí sát thương mềm”, diễn ra ngay cả trong thời bình. Việc tiến công và phòng thủ trong loại hình chiến tranh này không còn là của riêng lực lượng vũ trang mà là của toàn xã hội. Theo đó, phải xây dựng lực lượng nòng cốt đấu tranh trên mặt trận truyền thông; lực lượng nòng cốt để tiến hành tác chiến mạng không gian, mạng máy tính; lực lượng nòng cốt trong phát hiện và đối phó thủ đoạn chiến tranh kinh tế... của địch.

Một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xây dựng lực lượng tiến hành chiến tranh phải nói đến là bộ tham mưu chiến đấu của toàn bộ lực lượng ấy. Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó chính là sự lãnh đạo của Đảng và sự tổ chức, điều hành của Nhà nước. Đảng vạch ra cương lĩnh, đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân, đồng thời trực tiếp lãnh đạo tất cả các lực lượng tham gia tiến hành chiến tranh nhân dân để bảo đảm cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc luôn giữ đúng định hướng chính trị, tiếp tục là sự thực hiện nền chính trị xã hội chủ nghĩa, chỉ khác là phương thức tiến hành chủ yếu bằng bạo lực vũ trang. Nhà nước là người thể chế hóa và trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng trong chiến tranh bằng hệ thống pháp luật, các quyết sách, các kế hoạch chiến lược lớn để hướng mọi phương diện tổ chức và hoạt động của toàn bộ đất nước vào giải quyết các nhiệm vụ của chiến tranh.

cong1-1-1726759311.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định huy động lực lượng và sức mạnh toàn dân của chiến tranh. Cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng lãnh đạo chiến tranh nhân dân, lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược là quan điểm nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tiếp tục thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội trong điều kiện cụ thể, điều kiện chiến tranh. Chiến tranh nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Muốn tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho chiến tranh nhân dân, muốn huy động cao độ quần chúng nhân dân tham gia chiến tranh, muốn giành thắng lợi trong chiến tranh, nhất thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đòi hỏi Đảng phải có đường lối, chủ trương, biện pháp lãnh đạo kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

Tất cả các lực lượng trên đây của nền quốc phòng toàn dân đều được tập hợp trong một khối đại đoàn kết toàn dân tộc mang tính thống nhất, chỉnh thể nhằm hình thành cái “cốt vật chất” ưu trội để tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, chỉ có như vậy thì mới phát huy được cao độ sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Đây là sự phản ánh xu thế phát triển mới của tư tưởng chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tất nhiên, trước đây, khi tiến hành chiến tranh toàn dân, tổ tiên ta cũng rất chú ý đến yếu tố khu vực, theo dõi chặt chẽ và xử lý phù hợp với động thái của các nước lân bang. Song có thể nói trong thế giới đương đại, khi tiến trình hội nhập đem lại sự liên kết chặt chẽ lợi ích của rất nhiều quốc gia, dân tộc với nhau thì vấn đề chiến tranh xảy ra ở một nước cũng không còn đơn thuần là công việc riêng của từng dân tộc. Trong điều kiện hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, cần phải tạo dựng các mối quan hệ quốc tế sao cho khi chiến tranh xảy ra, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có tư cách chính nghĩa trên trường quốc tế, tranh thủ được sự đồng thuận của nhân loại tiến bộ, tạo điểm tựa để phát huy sức mạnh dân tộc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/luc-luong-quoc-phong-toan-dan-phai-tu-bao-toan-va-tang-cuong-kha-nang-chien-dau-khi-chien-tranh-xay-ra-a17518.html