Thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta là thế trận tổng hợp của cả lực lượng vũ trang và lực lượng phi vũ trang, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đặc biệt, khi chiến tranh xảy ra, thế trận quốc phòng toàn dân chuyển hóa sang thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, sự phát huy thế trận quốc phòng toàn dân nhất thiết phải được thể hiện hàng đầu ở thế hành trận của lực lượng vũ trang, bao gồm cả thế công và thế thủ, thế đánh và thế giữ, thế tiến để phá địch và thế lui để bảo toàn lực lượng. Do vậy, thường xuyên hoàn chỉnh thế bố trí của các lực lượng vũ trang là vấn đề tất yếu và là nội dung cốt lõi trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.
Để hoàn chỉnh thế bố trí của các lực lượng vũ trang, cần thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn, hành động tiến hành chiến tranh của địch. Ngay khi có dấu hiệu của tình huống khẩn cấp về quốc phòng và nhất là trước nguy cơ chiến tranh, cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch tác chiến; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang; đưa lực lượng vũ trang vào tư thế sẵn sàng chiến đấu trong khu vực tập kết đã dự định để xử trí kịp thời các tình huống trong tác chiến phòng thủ chiến lược. Lực lượng vũ trang trên địa bàn từng quân khu sau khi động viên cần nhanh chóng tổ chức, phân bố, triển khai hợp lý theo phương án phòng thủ đã bổ sung, điều chỉnh; tập trung cho mục tiêu, địa bàn trọng điểm, hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu.
Khi có triệu chứng địch gây chiến tranh xâm lược, cơ quan lãnh đạo chiến lược cần chỉ đạo các tỉnh, thành phố, quận, huyện nhanh chóng hoàn thành thế trận phòng thủ của các địa phương, huy động và chỉ đạo hệ thống làng, xã, phường, thôn, bản... chiến đấu sẵn sàng đánh địch tiến công, bảo vệ địa bàn. Cùng với động thái đó, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung, hoàn thành các công trình chiến đấu và bảo đảm chiến đấu như chốt chiến dịch, hệ thống hầm trú ẩn, hào cơ động, ụ chiến đấu... trên các trọng điểm, nhất là trên các khu vực dự kiến địch tiến công.
Để có thể nhanh chóng chuyển hóa từ thế trận quốc phòng toàn dân sang thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, ngay từ thời bình, việc bố trí, sắp xếp các lực lượng vũ trang đã phải được tổ chức một cách khoa học, từ lực lượng chủ lực của Bộ đến lực lượng vũ trang các quân khu, các địa phương và dân quân tự vệ. Đồng thời, công tác quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên phải tạo được tiền đề cần thiết để sẵn sàng tổng động viên. Quá trình xây dựng, củng cố, hoàn thiện các làng, xã chiến đấu cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo thế liên hoàn, hình thành các cụm làng, xã chiến đấu, trên từng khu vực, để tạo thế đánh địch rộng khắp, khi cần có thể hình thành các chốt chặn địch, hoặc tạo chỗ dựa cho lực lượng chủ lực đánh địch.
Hoàn chỉnh thế bố trí của các lực lượng vũ trang trong xây dựng thế trận quốc phòng phải gắn với củng cố khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu then chốt. Các khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu phòng thủ then chốt có vai trò quyết định đến thế trận phòng thủ của các địa phương, của quân khu và thế trận phòng thủ chung cả nước. Do vậy, ngay từ thời bình và nhất là khi có tình huống chiến tranh, cần nhanh chóng củng cố vững chắc khu vực phòng thủ chủ yếu trên các hướng chiến lược, các mục tiêu phòng thủ then chốt trong các khu vực phòng thủ địa phương. Để củng cố vững chắc khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu then chốt, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã dự kiến từ thời bình, khi có tình huống chiến tranh, các quân khu cần nhanh chóng bổ sung phương án kế hoạch, chỉ đạo cấp uỷ đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, huy động mọi nguồn lực tại chỗ hoàn chỉnh hệ thống công trình trong các khu vực phòng thủ chủ yếu, khu vực phòng thủ then chốt trên các hướng...
Trong xây dựng khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu phòng thủ then chốt cần coi trọng xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, các công trình chiến đấu, khu vực bố trí lực lượng chủ lực, địa phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật... Trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao, hệ thống công trình chiến đấu trong các khu vực, mục tiêu then chốt cần được bố trí phân tán, có nhiều vị trí dự bị, chú trọng thiết bị các trận địa, mô hình giả, tận dụng cải tạo địa hình, tận dụng mọi nguồn lực tại chỗ, gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các thành phần thế trận khác. Hoàn chỉnh thế bố trí của các lực lượng vũ trang trong xây dựng thế trận quốc phòng phải gắn với xây dựng, củng cố hệ thống căn cứ chiến đấu.
Căn cứ chiến đấu cần lựa chọn ở những địa bàn có nhiều lợi thế, tận dụng được thế hiểm của địa hình, nơi có “thế trận lòng dân” vững chắc, có thế đánh và có thế giữ, tiện cơ động, triển khai, giữ được bí mật... Căn cứ chiến đấu có thể nằm trong căn cứ hậu phương, nơi được xây dựng vững chắc về mọi mặt để triển khai cơ quan lãnh đạo và chỉ huy tác chiến của các địa phương. Đó cũng là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang, nơi có thể trụ vững trước những đòn tiến công của địch, tạo bàn đạp cho lực lượng cơ động các cấp triển khai thực hiện tác chiến trên địa bàn.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thuong-xuyen-hoan-chinh-the-bo-tri-cua-cac-luc-luong-vu-trang-phan-1-a17515.html