Xây dựng thế trận quốc phòng rộng khắp thời bình (phần 2 và hết)

Xây dựng các khu vực phòng thủ địa phương trên cơ sở thấu triệt quan điểm của Đảng về “xây dựng tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc” với phương châm “vững toàn diện, mạnh trọng điểm” là một nội dung cơ bản trong xây dựng thế trận quốc phòng ở nước ta hiện nay.

277-1726758558.jpg
Lực lượng vũ trang huyện Bố Trạch (Quảng Bình) giúp nhân dân gặt lúa bị rạp, đổ do mưa lũ. Ảnh: Báo Quảng Bình)

Từ đặc trưng và tầm quan trọng của khu vực phòng thủ trong thế trận quốc phòng toàn dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, với phương châm “vững toàn diện, mạnh trọng điểm”. Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị xác định những nguyên tắc cơ bản về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là: “Xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Tỉnh ủy, Thành ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền; cơ quan quân sự phối hợp với cơ quan công an và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương làm tham mưu và tổ chức thực hiện”.

Khu vực phòng thủ tỉnh, thành được xây dựng vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lấy xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện làm nền tảng. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phải vững toàn diện về lực lượng và thế trận nhằm sẵn sàng đối phó với mọi tình huống cả trong thời bình và thời chiến. Tuy nhiên, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành không dàn đều mà tập trung có trọng điểm, tập trung đầu tư cho các địa bàn xung yếu, khó khăn.

Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chiến tranh, quá trình xây dựng khu vực phòng thủ địa phương nói chung, xây dựng tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc nói riêng, cần đặc biệt coi trọng việc tạo lập thế trận quân sự vững chắc và năng động. Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở thế trận quân sự vững chắc và năng động, các khu vực phòng thủ mới có thể khai thác tốt nhất nguồn lực tại chỗ nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, công an, bộ đội biên phòng và các đơn vị bộ đội chủ lực triển khai chiến đấu trên địa bàn, đồng thời thực hiện được các phương án phối hợp tác chiến đồng bộ.

Thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành là thế trận toàn diện, trong đó thế trận quân sự là hạt nhân được liên kết chặt chẽ với thế trận trên các lĩnh vực khác tạo thành một tổng thể liên hoàn, vững chắc. Sức mạnh của khu vực phòng thủ phụ thuộc rất lớn vào thế trận quân sự. Không có thế trận quân sự vững chắc, liên hoàn thì khó có thể xử lý một cách hiệu quả các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh, nhất là trong loại hình hoạt động tác chiến chống chiến tranh xâm lược khi kẻ địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

dien-tap-1726758609.jpg
Các chiến sĩ Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội diễn tập chiến đấu. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Xây dựng và tổ chức hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố phải bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó các lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt. Xây dựng khu vực phòng thủ là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài nên phải dựa vào dân. Muốn khai thác sức mạnh to lớn của toàn dân, phải bằng mọi biện pháp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện yêu cầu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trên cơ sở đó huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn dân tham gia xây dựng khu vực phòng thủ.

Hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ đều phải hướng tới huy động sức mạnh to lớn của nhân dân để giải quyết các tình huống về quốc phòng, an ninh diễn ra trong thời bình và khi chiến tranh xảy ra trên địa bàn. Đi đôi với phát huy sức mạnh toàn dân, khu vực phòng thủ, phải xây dựng lực lượng vũ trang có biên chế hợp lý, có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, có sức mạnh tổng hợp cao để làm nòng cốt bảo vệ địa phương trong thời bình và thời chiến.

Quá trình xây dựng khu vực phòng thủ phải tạo sức mạnh bên trong, phát huy sức mạnh tại chỗ để chủ động, đủ sức tự xử lý thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh xảy ra trên địa bàn. Việc xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Tỉnh uỷ, Thành ủy và sự quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân. Cơ quan quân sự phối hợp với cơ quan công an cùng các ban, ngành, đoàn thể của từng tỉnh, thành làm tham mưu và tổ chức thực hiện.

Hoạt động của khu vực phòng thủ trong thời bình tập trung vào đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang... do cơ quan công an chủ trì làm tham mưu và chỉ huy các lực lượng xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật pháp quy định. Hoạt động của khu vực phòng thủ trong tình huống khẩn cấp về quốc phòng và tình huống chiến tranh do cơ quan quân sự chủ trì làm tham mưu và chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang của khu vực phòng thủ phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-the-tran-quoc-phong-rong-khap-thoi-binh-phan-2-va-het-a17513.html