Sự đày đọa trong nhà tù Tưởng và sức mạnh tinh thần của Hồ Chí Minh

Khỏi phải nói lại tất cả sự đày đọa mà chế độ nhà tù Tưởng đã dồn cho tác giả: Từ cảnh muỗi rệp, ghẻ lở, ăn đói, mặc rét, bị giải tới giải lui trên hơn ba chục nhà lao của huyện, xã, rồi ốm đau bệnh tật, sức khỏe suy kiệt... mà một phần nhỏ, nhờ vào hình thức thơ - nhật ký, ta có thể cảm nhận qua Nhật ký trong tù. 

screenshot-1-1725678150.png
Ngục Victoria ở Hongkong, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc (khi đó lấy tên là Tống Văn Sơ) gần 20 tháng (từ 6/6/1931-22/1/1933), trong thời gian Người hoạt động tại đây. Ảnh: TTXVN

Những nỗi khổ “vật chất” ấy đâu phải là chuyện đáng lướt qua, hoặc coi nhẹ nếu ta nhớ cảnh tác giả đã già ngoài năm mươi, thân thể tiều tụy đến mức mắt mờ, răng rụng, tóc bạc, mà bị giải bộ, ngày đi trên năm mươi cây số, chân bị xiềng, tay bị trói giật cánh khuỷu hoặc giải bằng thuyền thì chân bị treo như bị xử giảo, ròng rã như thế hơn tám mươi ngày... 

Ấy thế mà trong hoàn cảnh đó Hồ Chí Minh vẫn làm thơ, và có thơ. 

Không phải chỉ là thơ “tả thực”, dẫu đây là một nhật ký thơ, ghi chuyện hàng ngày, có các cảnh đun nấu, ăn uống, rửa tắm, rận rệp, ghẻ lở, có chuyện người chết, trẻ khóc, đánh bạc hoặc đàn ca... 

Quả hiếm có tập thơ nào nói được nhiều “sự thật” đến thế. Sự thật về một cảnh ngộ cụ thể, một trạng huống xã hội, và sự thật về nỗi đày đọa cho một con người. 
Nhưng dường như “sự thật” đó không phải là cái mà tập thơ muốn đạt đến, và tác giả muốn khai thác cho cặn kẽ. 

Sau cận cảnh: 

…bị trói chân tay 

là bối cảnh: 

Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng 
(Giữa rừng đáp thuyền đi Ung Ninh)

và: 

Làng xóm ven sông đông đúc thế 
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh 
(Trên đường) 

Một thế đối xứng thơ quen thuộc như vậy có thể tìm thấy ở nhiều bài trong Nhật ký trong tù.

Cuộc sống tù đày nếu đã từng là môi trường cho ra đời những khúc tự tình bi phẫn, những lời cảm thương cho thân phận, thì cũng đâu dễ ngăn cản được những vần thơ chất chứa cảm xúc và suy tư về hành động và tương lai, về nhân dân và cuộc sống. 

Tôi không muốn nói cái chất lãng mạn và lạc quan toát lên từ sự tương phản như trên, có ở rất nhiều bài thơ mà ai cũng rõ. Tôi chỉ muốn nói một hoàn cảnh sống dày vò, đày đọa con người đến như tác giả phải chịu đựng, vẫn không cản được Hồ Chí Minh làm thơ. Và đó chính là biểu hiện của ý chí tự do và sức mạnh tinh thần, của khả năng làm chủ ngoại cảnh và làm chủ bản thân cực kỳ mạnh mẽ nơi tác giả. Hồ Chí Minh làm thơ, vì đó là điều mà hoàn cảnh tù, dẫu tàn bạo đến đâu, cũng không ngăn cản được. Và vì ở hoàn cảnh tù, người tù khó có thể làm gì khác được ngoài làm thơ. 

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/su-day-doa-trong-nha-tu-tuong-va-suc-manh-tinh-than-cua-ho-chi-minh-a17348.html