Nguyễn Ái Quốc: Từ người dẫn đường cách mạng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những năm ba mươi, đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng, và nhà cách mạng trở thành lãnh tụ của dân tộc khi tình thế cách mạng xuất hiện vào buổi đầu những năm bốn mươi.

bac-ho-doc-tuyen-ngon-1725676600.jpg
Tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: Internet

Cũng như giai đoạn tìm đường, mọi công cụ báo chí, văn học nghệ thuật, tranh vẽ để tuyên truyền cổ động cách mạng lại được Hồ Chí Minh khẩn trương huy động. Đó là những năm xuất hiện dồn dập các thư từ, lời kêu gọi, diễn ca lịch sử, bài ca Việt Minh và báo Việt Nam độc lập - gọi tắt là Việt - Lập. Cuộc ra quân rầm rộ của đội quân chữ nghĩa này, dưới sự điều hành linh hoạt của Hồ Chí Minh sẽ là chất gây men, là ngòi nổ cho dồn dập các hoạt động của phong trào quần chúng xốc tới cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945. Và thời điểm 1945 đã chứng kiến sự hội nhập, và tỏa sáng của hai cuộc hành trình: Vũ khí tiếng nói và tiếng nói vũ khí, trong một văn bản lịch sử: Tuyên ngôn độc lập. 

Tuyên ngôn độc lập là sáng tạo của một cá nhân, cũng đồng thời là sản phẩm của lịch sử. Là kết quả của những hy sinh của dân tộc trong gần một thế kỷ, đồng thời là sự kết tinh giá trị của hàng ngàn năm văn hiến Việt Nam. Người viết Tuyên ngôn, vừa là đại diện cho nhân dân ở tư cách một hậu sinh xứng đáng với truyền thống, vừa là đại diện cho dân tộc tìm được sự khai thông với nhân loại như một người đồng thời. Trên hai bình diện lịch đại và đồng đại, Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là đại diện cho dân tộc ở tư thế của lịch sử văn minh và văn minh lịch sử. Đó là lời của lãnh tụ nói với dân tộc hay cũng chính là lương tâm dân tộc? Đó là lời của dân tộc nói với nhân loại, hay chính là lương tâm nhân loại?

Người cách mạng Nguyễn Ái Quốc đi tìm sự soi sáng về lý luận, rồi dùng lý luận để soi sáng cho cả một dân tộc trên suốt ba mươi năm đã thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sau 1945. Cuộc sống vẫn tiếp tục không cho phép Hồ Chí Minh đi tìm thú vui riêng cho mình - cái thú lâu lâu ta lại thấy bất chợt lóe lên, các vần thơ: 

Nguyệt thôi song vấn thi thành vị 

Quân vụ nhưng mang vị tố thi 

(Trăng vào cửa sổ đòi thơ 

Việc quân đương bận xin chờ hôm sau)

(Tin thắng trận; 1948) 

Quân cơ quốc kế thương đàm liễu 

Huề dùng giai đồng quán thái viên 

(Việc quân việc nước đã bàn 

Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau) 

(Không đề) 

Trong vị trí lãnh tụ của dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn phải tiếp tục sứ mệnh lịch sử mà nhân dân phó thác. Hai cuộc kháng chiến gối liền nhau, trên trọng trách lịch sử - Tổng tư lệnh tối cao, Hồ Chí Minh phải tổ chức cho dân tộc Việt Nam sự kết hợp chiến đấu và sản xuất nhằm bảo đảm chiến thắng, và duy trì cuộc sống xây dựng hòa bình theo hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Quả thực cho đến bây giờ, sau ngót ba mươi năm đi xa, ta càng nhận rõ: Hồ Chí Minh là lãnh tụ hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất trong lịch sử dân tộc, có sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực của đời sống, có vốn hiểu biết trên nhiều hoạt động xã hội. Một cái vốn lớn do sự từng trải mà có, và sau này, do yêu cầu chỉ đạo mọi mặt hoạt động thực tiễn mà Hồ Chí Minh là người chỉ huy và chịu trách nhiệm tối cao. Một kiểu lãnh tụ với phẩm chất toàn năng hiếm hoi không dễ có, được tạo nên do những tình thế lịch sử đặc biệt. Một kiểu người khai sáng, với ưu thế đặc biệt của trí tuệ, không chỉ có sứ mệnh mở đường, mà còn phải đưa toàn dân lên đường và thực hiện từng bước các mục tiêu đã chọn.

Phải làm sao cho dân tin và hiểu. Và hiểu để mà tin thêm. Đó là một quá trình rất đáng chú ý trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Trong cái động tác lắng nghe và “theo gương Bác Hồ” của toàn dân tộc Việt Nam quả có một quá trình chiêm nghiệm và chuyển hóa, vì người nói và viết, là người có một cái vốn lớn của sự từng trải, bao gồm cả cái vốn kiến thức văn hóa kim-cổ, Đông-Tây được thâu nhận từ rất nhiều nguồn.

Trước cái vốn ấy, bất cứ ai trong chúng ta, không kể những người bình thường, mà ngay cả những trí thức tên tuổi, những nghệ nhân lão luyện, cũng phải khâm phục và vị nể. Chẳng hạn trong lời ông căn dặn hai nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy và Ngô Thị Liễu, sau đêm diễn vở tuồng Chị Ngộ: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm. Cố mà giữ gìn. Nhưng chớ có gieo vừng ra ngô”. Khỏi phải nói thêm, đã là tuồng thì phải giữ cho được chất tuồng, chứ không phải là cải lương, là kịch nói, là chèo. Còn trong lời ông khen Tú Mỡ khi nhà thơ trào phúng biểu diễn chèo “cây nhà lá vườn”: “Chèo thì phải chèo cho vững!” lại bao hàm một ý khuyên nhủ khác, không chỉ riêng cho Tú Mỡ “nhà thơ nhân dân”, mà có thể là cho cả một lớp nhà văn trong buổi đầu gian nan của kháng chiến chống Pháp. Còn có thể kể thêm nhiều nữa những dẫn chứng như thế. 

Vậy là, ở tư cách lãnh tụ, Hồ Chí Minh đã không nhận vai trò chuyên gia trên bất cứ lĩnh vực nào của hoạt động tinh thần hoặc thực tiễn. Nhưng với tư cách là người khai sáng, các ý kiến của ông luôn luôn có giá trị soi rọi. Có thể nói, cho đến nay, qua kiểm nghiệm của thực tiễn, và thử thách của thời gian, nhiều ý kiến của Hồ Chí Minh vẫn là chân lý. Không kể những chân lý lớn đã trở thành tuyên ngôn, thành khẩu ngữ chung cho dân tộc, và mang tầm thời đại, ngay trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật, nhiều ý kiến của Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là sự chỉ đạo cho nhận thức và hoạt động nghề nghiệp: “Văn hóa, văn nghệ, cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế, chính trị.”. “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” “Chúng tôi không chịu vay mà không trả.” “Phải có trước mới có sau, có cũ mới có mới, nhưng ta không nên nệ cổ..”. “Miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn những người mới, việc mới”...

Có điều, Hồ Chí Minh luôn luôn là người biết dừng lại ở chỗ cần dừng, không quá đi sâu vào những điều quá “chuyên” hoặc còn có thể bàn cãi. Đặc biệt, với trí tuệ uyên bác, và với lối sống giản dị, chan hòa với quần chúng, Hồ Chí Minh đã tạo được một từ trường rộng rãi có sức thu hút, cảm hóa mọi tầng lớp trí thức, khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Với sức thu hút đó, Hồ Chí Minh đã tập hợp, dẫn dắt biết bao trí thức đi vào con đường cách mạng, và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng. Trong số họ, có không ít người còn xa lạ hoặc chưa biết cách mạng, nhưng do may mắn được tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mà đến với cách mạng. Đối với họ, những giây phút gặp gỡ như thế có ý nghĩa một cuộc đổi đời. 

Hẳn còn phải đi sâu thêm vào sức hút đó, nó là hạt nhân, là từ trường, là vùng phát sóng lớn để tạo nên sự đồng tâm nhất trí, tạo nên mối giao cảm vĩ đại, vốn là nét đặc trưng cho đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX. 

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguyen-ai-quoc-tu-nguoi-dan-duong-cach-mang-den-chu-tich-ho-chi-minh-a17345.html