Hành trình tự học của Nguyễn Ái Quốc

Những năm hai mươi của tuổi đời, Nguyễn đã trải rất nhiều nghề; có đến hàng chục nghề - và không ít là lao động chân tay, những nghề giúp anh kiếm sống, và gắn với tầng cơ bản của cuộc sống là những người lao động.

bac-ho-12-1725676203.jpg
Nguyễn Ái Quốc và báo Người cùng khổ. Ảnh: Internet

Trong lao động kiếm sống, anh không ngừng học hỏi, suy nghĩ. Có thể nói anh đã dồn tất cả thời gian, sức lực, tâm huyết để học, bất cứ lúc nào cũng là cơ hội cho anh học, như để bù lại, và có thể nói quá lên như thế này chăng, như để trả nợ cho cả một dân tộc còn phải đắm chìm trong tăm tối, lầm than. Phải giải thích sự khát khao học hỏi ấy của Nguyễn Ái Quốc không chỉ qua bản thân anh, mà còn như là sự gửi gắm, sự phó thác của cả quê hương anh, dân tộc anh. Và học, không phải để được gọi là uyên bác, để thành học giả, để vượt lên trên, giành lấy thế hơn những kẻ được gọi là “văn minh”. Mục tiêu ấy không phải là quá khó. Rồi sẽ có những tiến sĩ, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, hoặc những người, không chỉ thông thạo nhiều thứ tiếng mà còn có vốn hiểu nhiều nền văn hóa, không kể những “ông Tây An Nam”.

Mà là để tìm một con đường cứu nước - con đường mà biết bao thế hệ cha anh đã tìm kiếm, nhưng vì thiếu kiến thức, thiếu lý luận, chứ không phải là thiếu quyết tâm, thiếu chí hy sinh, nên đành thúc thủ. Qua cái vốn ngoại ngữ được sử dụng thành thạo, anh đến với nguyên bản của bao danh nhân cổ điển và hiện đại: Shakespeare, Dickens, V. Hugo, A.France, L. Tolstoy, Lỗ Tấn... Anh tìm bạn, và xây dựng tình bạn với những trí thức lớn, cũng đồng thời là các chính khách nổi tiếng của Pháp như P. Vaillant Couturier, Romain Roland, Henri Barbusse - rồi sẽ là người bảo trợ cho tờ Le Paria. Văn học, như bao giờ cũng vậy, đem lại cho con người những kinh nghiệm sống bồi đắp cho người chất lượng sống, mở rộng các giới hạn sống.

Qua vốn văn học tiếp nhận được, Nguyễn sẽ đi vào quá trình học viết, sau khi đã trải nhiều nghề, như là phương tiện để thử nghiệm, để nhận biết, để kiểm tra, để thử thách mọi hành trang và bản lĩnh cá nhân trên định hướng lớn của đời mình. Tiếng súng Cách mạng tháng Mười bị bưng bít, nhưng anh không ngừng lắng nghe chân lý là ở đâu, trong những cuộc tranh cãi, luận chiến nơi tụ họp của công nhân, và trong các hội thảo của Đảng Xã hội Pháp lúc này đang đi vào phân hóa. Yêu sách 8 điểm, trang viết đầu tiên của chàng trai đại diện cho cả một dân tộc đã mất tên gọi trên bản đồ, lần đầu tiên cất lên nơi một cuộc họp quốc tế - như một ngòi nổ, một tiếng bom. Bộ máy thống trị chính quốc và thuộc địa dễ dàng dập tắt nó, nhưng dư âm của nó thì còn ngân dài, gắn với tín hiệu “thức tỉnh” không chi Đông Dương mà cả thế giới thuộc địa. 

Từ 1920, Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đã đến với anh như một cẩm nang thần kỳ. Để từ đó, đến với anh sự nhận thức chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa có hai vòi, sự sáng tỏ thực chất của “văn minh”, “khai hóa”, của số phận và con đường giải thoát cho hàng triệu người da màu đau khổ, trong đó có đồng bào quê hương anh. Từ 1920, sẽ bắt đầu tên gọi Nguyễn Ái Quốc, cùng với nhiều tên khác, ở diễn đàn chính trị phương Tây, dấu hiệu một chất lượng chiến đấu mới của dân tộc đã được soi sáng và khơi dậy từ ngoài.

Từ 1920, sẽ bắt đầu một giai đoạn mới của lịch sử dân tộc, giai đoạn mà các quá trình cách mạng cũng đồng thời gắn liền với yêu cầu khoa học, gắn với quá trình khoa học hóa trong nhận thức, trong tuyên truyền, tổ chức, hành động. Một quá trình rất mực khẩn trương, trải qua nhiều phen tập dượt, chịu rất nhiều hy sinh, nhưng khoa học về thời cơ cách mạng trên toàn bộ đất nước đòi hỏi phải tuyệt đối được chọn đúng, và dưới sự chỉ dẫn của một trí tuệ minh mẫn, biết nhìn xa trông rộng - đó là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

images2335718-t2-1725676342.jpg
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương. Ảnh: Internet

Một khoa học tổ chức động đến từng đơn vị, từng tế bào xã hội. Suốt 30 năm, người cách mạng mang mấy chục tên riêng đó đã đi khắp các lục địa, nhiều lần về gần biên giới Tổ quốc, nhưng phải đến tháng 2-1941, vào tuổi ngoài 50 mới đặt chân được lên địa đầu Pắc Bó, khi những khả năng bên trong của cách mạng và khoa học tổ chức cách mạng đã có điều kiện chín muồi. 

Đó là cuộc đi dài nhất so với mọi cuộc đi của bất cứ anh hùng chí sĩ nào đầu thế kỷ. Một cuộc đi cần đến 30 năm. Vì phải đến 30 năm thì đất nước mới có thời cơ cách mạng. Phải 30 năm mới làm cho khả năng cách mạng hóa cả một dân tộc thành hiện thực. Trở về nước, ở thời điểm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã cùng toàn dân đón bắt thời cơ ấy. 

Trở lại cuộc hành trình của Nguyễn Ái Quốc vào những năm hai mươi với niềm khao khát học tập, xem nghe, tích lũy. Bằng sự cần cù và trí thông minh, Nguyễn đã tạo được một cái vốn kiến thức khá rộng trên nhiều mặt: xã hội, chính trị, khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật... Nhiều khả năng sáng tạo đã được bộc lộ: Khả năng diễn thuyết, viết truyện, dựng kịch, vẽ tranh, và có thể cả làm thơ. Không kể khả năng làm báo, viết báo với một phong cách luận chiến sắc sảo. Trong hành trang tinh thần của mình ở tuổi ba mươi, Nguyễn đã có không ít các thứ vốn: Tư tưởng, triết học, văn hóa, văn học, nghệ thuật... Nhưng rõ ràng Nguyễn không có ý định trở thành bất cứ một nhà gì trong số đó.

Nguyễn càng không bị các ham mê đó chi phối, hay nói cách khác, Nguyễn đã biết kìm giữ niềm yêu thích vun đắp cho mình một sự nghiệp riêng, dẫu bất cứ là nghề gì. Bởi lẽ, cái định hướng lớn nhất, có sức cuốn hút mạnh nhất đối với anh vẫn là số phận của hai mươi lăm triệu đồng bào quê hương còn chìm trong đau khổ. Anh không thể là nhà văn, nhà báo, họa sĩ, diễn viên hoặc người thông dịch, hoặc khách du lịch... Tất cả mọi thứ nghề đó, đối với anh đều chỉ là phương tiện. Và như sau này Trần Dân Tiên kể lại, để mượn lời ông Nguyễn: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những điều tôi muốn, đó là tất cả những điều tôi hiểu”. Và nhận xét về ông Nguyễn: “Có thể nói là ông Nguyễn suốt ngày nghĩ tới Tổ quốc, và suốt đêm mơ đến Tổ quốc mình”. 

Điều dễ hiểu là sau những tìm tòi để rút ra được cái “cẩm nang” cứu nước, Nguyễn Ái Quốc sẽ chuyển hướng mọi hoạt động của mình vào một mục tiêu cụ thể: Đó là công việc tuyên truyền và tổ chức cách mạng. Sau rất nhiều thử nghiệm với công cụ chữ nghĩa, bẵng đi mấy năm, vào 1927 Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện trong một tác phẩm có cái tên vang động: Đường Kách mệnh. Đường Kách mệnh, đó mới chính là câu chuyện Nguyễn ngày đêm tâm nguyện: “Sách này chỉ ước ao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm kách mệnh.

Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ Kách mệnh!”. Rồi tiếp đó, chỉ ba năm sau, sau cuốn sách cho đội tiền phong của “đường kách mệnh”, Nguyễn viết tiếp Nhật ký chìm tàu, cho chính quần chúng cách mệnh. Nhật ký chìm tàu, đó là bức tranh cần thiết cho quần chúng số đông, kịp cổ vũ họ và nâng đỡ họ bước vào một cao trào đấu tranh rồi sẽ bị dìm vào khói súng - cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. 

Con người mang tên Nguyễn Ái Quốc đã định hướng cho cuộc đời mình, ngay từ tên gọi. Con người có vốn hiểu biết lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng không có ý định làm một nhà trí thức, một nhà văn hóa phương Tây, vì sự tất yếu của lịch sử buộc anh phải trở thành một nhà cách mạng phương Đông, Và phương Đông trong cách nhìn của “thế giới văn minh” lúc này - sản phẩm của chính sách bóc lột và ngu dân, là sự đồng nghĩa với tối tăm và đau khổ.

Tác phẩm lớn của Nguyễn Ái Quốc viết cho phương Đông, cho Đông Dương đang đòi hỏi “thức tỉnh”, dĩ nhiên phải là Đường Kách mệnh và Nhật ký chìm tàu. Cả hai gộp lại có vị trí của một Nhà nước và Cách mạng của Lênin; nhưng là một Lênin ở phương Đông, nói cách khác nó phải mang một hình thức chuyên chở khác, giản dị, phổ cập, dễ hiểu, mà chương đầu được chọn sẽ là chương Tư cách người cách mệnh.

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hanh-trinh-tu-hoc-cua-nguyen-ai-quoc-a17344.html