Chiêu trò mạo danh trường Đại học để lừa tiền nhập học của thí sinh

Ngày 24/8, một số phụ huynh và thí sinh nhận được tin nhắn thông báo nhập học sớm tại Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) để nhận ưu đãi 3 triệu đồng.

tinnhanhuit-1139-1724552658.jpg
HUIT lên tiếng bác bỏ tin nhắn lừa đảo này. Ảnh: Internet

Vào ngày 24/8, nhiều thí sinh và phụ huynh có con trúng tuyển vào Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) đã thông báo rằng họ nhận được một tin nhắn thông báo về việc nhập học sớm từ ngày 18/8 đến 27/8/2024 để nhận ưu đãi 3 triệu đồng cho 2.000 thí sinh đầu tiên. Tin nhắn này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và gây hoang mang trong cộng đồng.

Ngay trong ngày, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của HUIT, đã chính thức bác bỏ thông tin này, khẳng định đó là một chiêu lừa đảo. Ông Sơn nhấn mạnh rằng mọi thông tin liên quan đến việc trúng tuyển sẽ được nhà trường gửi qua email chính thức và thí sinh chỉ phải đóng lệ phí nhập học theo thông báo trên website chính thức của trường. 

Đáng chú ý, sau khi HUIT đưa ra thông báo chính thức, nhiều phụ huynh và thí sinh đã phát hiện số điện thoại trong tin nhắn lừa đảo trùng với số của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF). Điều này đã gây thêm sự nghi ngờ và yêu cầu UEF phải đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích – Giám đốc Trung tâm thông tin truyền thông của UEF, đã bác bỏ mọi liên quan đến tin nhắn lừa đảo này. Bà Bích giải thích rằng việc tạo thương hiệu để gửi tin nhắn không hề đơn giản và không có lý do gì để UEF sử dụng tên HUIT. Theo bà, khả năng cao là có người đã lợi dụng tin nhắn của UEF, chỉnh sửa bằng phần mềm để đánh lừa thí sinh và phụ huynh.

Bà Bích cũng cho biết, UEF sẽ gửi văn bản yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Trước tình hình này, phụ huynh và thí sinh cần cẩn trọng và chỉ tin tưởng vào những thông tin chính thức từ nhà trường. Các thí sinh cần kiểm tra kỹ thông tin trên website và các kênh truyền thông chính thức của trường để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan uổng.

Lương Đàm (Tổng hợp)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chieu-tro-mao-danh-truong-dai-hoc-de-lua-tien-nhap-hoc-cua-thi-sinh-a17207.html