Các yếu tố khoa học và công nghệ ngay từ thời bình đã thường xuyên được huy động vào phát triển sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng, và khi chiến tranh xảy ra thì các chỉ số khoa học và công nghệ trong sức mạnh quân sự nhà nước tăng vọt đột biến. Tuy nhiên, cũng chỉ khi chiến tranh xảy ra thì bối cảnh ấy mới bộc lộ đầy đủ hình hài để trở thành khách thể khám phá, khái quát, xử lý... của các khoa học về quân sự, chiến tranh. Theo đó, việc vận dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến phục vụ sức mạnh quân sự nhà nước mới thể hiện thành đích đến, chỉ số cụ thể, phù hợp với đối tượng tác chiến cụ thể.
Cũng như đối với tiềm lực chính trị tinh thần, sự chuyển hóa tiềm lực quân sự từ trạng thái tiềm tàng trong nền quốc phòng thời bình sang trạng thái sức mạnh hiện hữu phải được thực hiện ngay từ ngày đầu chiến tranh. Trình độ sẵn sàng chiến đấu, hiệu quả tác chiến quân sự là một trong những đặc trưng cơ bản thể hiện chất lượng, hiệu quả quá trình quy tụ tất cả các tiềm lực quốc phòng khác thành sức mạnh quân sự tổng hợp trong chiến tranh. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu đã tung hết lực lượng quân sự vào cuộc chiến. Vừa phòng thủ, tích cực ngăn chặn, phá vỡ thế tiến công áp đảo của địch, vừa bảo tồn lực lượng để kháng chiến dài ngày, đồng thời tiếp tục phát triển lực lượng dự bị chiến lược mạnh để đánh đòn quyết định khi điều kiện thời - thế - lực của ta đã trở nên ưu trội, đó mới là phương cách chuyển hóa tiềm lực quân sự phù hợp nhất.
Như vậy, việc xây dựng hệ thống tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân ở nước ta nhất thiết phải hướng đến tạo thuận lợi cho sự chuyển hóa cả hệ thống tiềm lực ấy, cũng như từng tiềm lực, thành sức mạnh hiện hữu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cần đặc biệt chú ý cả hai chỉ số: Chuyển hóa năng động ngay từ đầu và chuyển hóa vững chắc, có chiều sâu nhằm đáp ứng nhu cầu kháng chiến lâu dài. Hiệu suất của quá trình chuyển hóa này được đo bằng tỷ lệ giữa tổng thể những nhân tố huy động được cho chiến tranh với tổng thể tiềm năng trong thời bình. Do vậy, như thực tế lịch sử cho thấy, hiệu suất của sự chuyển hóa ấy không chỉ phụ thuộc vào các tiềm năng đã được chuẩn bị từ thời bình của mỗi nước, mà còn bị chi phối mạnh mẽ bởi những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể khi chiến tranh xảy ra. Trong những tiền đề khách quan tác động đến hiệu suất của quá trình chuyển hóa nói trên, cùng với tổng thể khối lượng và chất lượng các tiềm lực hiện có, nhất thiết phải tính đến tình hình mọi mặt của thời cuộc, nhất là so sánh lực lượng cách mạng - phản cách mạng trong nước và quốc tế, đồng thời phải tính đến kiểu chiến tranh.
Tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia là quá trình vừa tuân theo những quy luật phổ biến, vừa bị chế ước bởi những điều kiện lịch sử cụ thể. Điều đó phải được thấu triệt thành những định hướng có tính nguyên tắc cho quá trình xây dựng hệ thống tiềm lực quốc phòng sao cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhất định. Một mặt, quá trình chuyển hóa trạng thái của sức mạnh quân sự quốc gia là khách quan, luôn tuân thủ những quy luật khách quan, phụ thuộc vào những khả năng và điều kiện khách quan. Mặt khác, quá trình này lại được thực hiện một cách có tổ chức bởi con người và cộng đồng, nên hiệu suất của nó lại phụ thuộc một cách quyết định vào tính năng động, sáng tạo của chủ thể, đặc biệt là của lực lượng lãnh đạo đất nước và đông đảo quần chúng nhân dân. Lịch sử các cuộc chiến tranh cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, với tiềm năng ban đầu không thực sự lớn, nhưng nếu người lãnh đạo biết phân tích chính xác thời cuộc, đưa ra được quyết sách đúng đắn và kịp thời, từ đó phát huy được tính tích cực xã hội vốn có của quần chúng nhân dân, thì đất nước vẫn có thể huy động được sức mạnh cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ do chiến tranh đặt ra.
Trong bối cảnh thế giới đương đại, việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia ở nước ta phải vừa nhằm duy trì hòa bình, ổn định cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa chuẩn bị khả năng đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch. Đây là định hướng cơ bản hàng đầu của quá trình xây dựng tiềm lực quốc phòng, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, mọi chủ trương, biện pháp, giải pháp tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia phải góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; duy trì cho được nền hòa bình lâu dài và sự ổn định chính trị, không để xảy ra bạo loạn chính trị và “tự diễn biến”; ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan “diễn biến hòa bình”, nguy cơ can thiệp quân sự và xung đột vũ trang, đấu tranh quốc phòng chống mọi sự xâm hại đến độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Cùng với việc giữ vững định hướng đó, quá trình xây dựng tiềm lực quốc phòng cần thấu triệt sâu sắc quan điểm toàn diện để chuẩn bị tốt nhất cho sự chuyển hóa tiềm lực quốc phòng thành sức mạnh đối phó với chiến tranh xâm lược. Theo đó, trước hết cần phải đánh giá đầy đủ và chính xác so sánh lực lượng trong nước và quốc tế cả ở thời điểm hiện tại và dự báo khi chiến tranh xảy ra; đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn và phương thức tiến hành chiến tranh của địch, cũng như các tiềm năng của đất nước và khả năng vận động, phát triển trong chiến tranh. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được tổng thể tiềm lực chính trị - tinh thần vốn là thế mạnh truyền thống, tiềm lực kinh tế xã hội ngày càng mạnh, tiềm lực khoa học - công nghệ ngày càng tiên tiến, tiềm lực quân sự từng bước hiện đại... trong điều kiện đổi mới và hội nhập. Và cũng chỉ trên cơ sở đó mới có thể chủ động chuẩn bị trước tiền đề cho sự chuyển hóa thuận lợi tất cả các tiềm lực đã được xây dựng thành sức mạnh hiện hữu nhằm vượt qua thử thách khốc liệt của chiến tranh, phát triển lâu bền ngay trong điều kiện chiến tranh để đưa chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đến thắng lợi.
Hiện nay, chúng ta tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia trong bối cảnh thế giới đầy biến động và xuất hiện rất nhiều vấn đề nhạy cảm. Các thế lực thù địch cả trong nước và ngoài nước vẫn đang tìm mọi phương cách, thủ đoạn để kiềm tỏa, hạn chế thế mạnh, khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém của ta nhằm chống phá về mọi mặt, nhất là về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Vì thế, tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia nói chung, xây dựng tiềm lực quốc phòng nói riêng, không thể chỉ là công việc của riêng Nhà nước hoặc của các lực lượng vũ trang, mà cần có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, phát huy bằng được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước và vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang.
Hơn nữa, việc tổ chức xây dựng tiềm lực tổng hợp của nền quốc phòng phải gắn liền với việc tổ chức xây dựng thế trận quốc phòng, lực lượng quốc phòng, phương thức vận hành nền quốc phòng sao cho đủ sức ngăn chặn, đối phó với tất cả các hình thức chiến tranh truyền thống và chiến tranh phi truyền thống. Đấu tranh quốc phòng phải gắn kết với phòng thủ đất nước từ xa, tạo thành thế trận tổng hợp trên cơ sở bố trí, sử dụng các lực lượng quốc phòng hợp lý, bảo đảm tính linh hoạt, liên hoàn trong quá trình vận hành, có khả năng giành thắng lợi trong các thời điểm quyết định. Việc bảo đảm cho sự vận hành kinh tế - xã hội của đất nước trong chiến tranh, sử dụng sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh cũng phải được chuẩn bị chu đáo ngay từ thời bình, trên cơ sở quán triệt tốt quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Điều đó càng đòi hỏi phải lấy việc giữ vững môi trường hòa bình và sự ổn định chính trị làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trên cơ sở thành quả phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến