Xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn diện thời bình, giàu sức sống và chuyển hóa năng động khi chiến tranh xảy ra (Phần 3)

Đặc biệt, việc xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng ở nước ta hướng tới đáp ứng đòi hỏi của vấn đề chiến tranh và hòa bình cần được tiến hành chặt chẽ ở cả hai phương diện cơ bản: Phương diện khoa học và phương diện công nghệ.

s2-1725030405.jpg
Khẩu đội 12,7mm thực hành chiến đấu trong diễn tập. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Về phương diện khoa học, đó là phải tạo được khả năng đồng thuận và đồng bộ giữa mặt bằng phát triển nền khoa học nước nhà với những bước phát triển đột phá mang tính đổi mới và có tầm nhìn chiến lược của các khoa học quân sự. Đó là chuẩn bị chu đáo cho khả năng bảo tồn sức sống của nền khoa học nói chung và nhất là các khoa học quân sự nói riêng vượt qua các thời kỳ đầy thử thách của cuộc chiến tranh, đồng thời được tiếp tục duy trì và phát triển không ngừng qua suốt cuộc chiến tranh. Đó là huy động được mọi nguồn lực khoa học nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của chiến tranh, làm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh thời chiến được đặt trên cơ sở lý luận khoa học vững chắc. Về phương diện công nghệ, đó là chuẩn bị mọi tiền đề, cơ sở cần thiết để cho Đảng và Nhà nước có thể huy động và phát huy cao độ mọi thành tựu công nghệ tiên tiến cho nhu cầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngay từ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh. Đặc biệt, đó là trực tiếp phát triển nền công nghệ quân sự đủ sức đáp ứng nhu cầu trang thiết bị quân sự phục vụ chiến tranh, nhất là đổi mới hệ thống vũ khí cũng như tăng cường khả năng làm chủ vũ khí, hướng tới thực hiện được phương châm lấy vũ khí công nghệ cao để chống lại chiến tranh công nghệ cao.

Là biểu hiện tập trung của sức mạnh quốc gia, tiềm lực quân sự một mặt phản ánh và kết tinh các tiềm lực khác, song mặt khác có vai trò rất to lớn tác động trở lại đối với sự phát triển của tất cả các tiềm lực. Đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh, sự vững mạnh của tiềm lực quân sự là bảo đảm tin cậy nhất cho sự duy trì, phát triển, phát huy tác dụng của các tiềm lực khác. Thắng lợi hay thất bại của lực lượng vũ trang có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các tiềm lực quốc phòng, đồng thời là tiêu chí xét đến cùng thử thách tính vững chắc và hiệu quả của hệ thống tiềm lực quốc phòng.

Chính vì vậy, việc xây dựng tiềm lực quân sự luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu và trực tiếp của toàn bộ công cuộc xây dựng tiềm lực quốc phòng. Hơn nữa, nhìn dưới góc độ hướng tới đáp ứng đòi hỏi của vấn đề chiến tranh và hòa bình thì xây dựng tiềm lực quân sự chính là chuẩn bị trực tiếp công cụ bạo lực vũ trang sắc bén để chủ động sẵn sàng bảo vệ độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia, dân tộc chống lại chiến tranh xâm lược ngay từ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực quân sự vừa có sức sống cao, thu hút được tinh tuý của tất cả các tiềm lực quốc phòng để tạo nên sức mạnh tổng hợp, vừa có khả năng chuyển hóa rất năng động để xây dựng lực lượng vũ trang có đủ bản lĩnh sẵn sàng đối phó với mọi tình huống chiến lược, luôn nắm vững thế chủ động chiến lược, càng chiến đấu càng trưởng thành, lớn mạnh.

Xây dựng tiềm lực quân sự đáp ứng nhu cầu của vấn đề chiến tranh và hòa bình đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều mối quan hệ trong tính chỉnh thể của tiềm lực quốc phòng. Trong đó, các mối quan hệ nội tại mà trọng tâm nhất là quan hệ giữa tổ chức, con người quân sự và vũ khí là đặc trưng nổi trội. Trong bối cảnh thế giới đương đại, khi các cường quốc quân sự đang ra sức hiện đại hóa quân đội, nhất là phát triển vũ khí cùng nghệ thuật tác chiến theo hướng chiến tranh công nghệ cao, thì việc xây dựng tiềm lực quân sự nhằm tiến hành chiến tranh chống xâm lược không thể không có những bước biến đổi mang tính cách mạng. Một mặt, cần phải tính đến việc hiện đại hóa quân đội theo hướng lấy vũ khí công nghệ cao để chống chiến tranh công nghệ cao. Mặt khác, vẫn cần giải quyết tối ưu mối quan hệ giữa xây dựng tổ chức quân đội hợp lý với phát huy cao nhất nhân tố con người trong làm chủ vũ khí và phát triển nghệ thuật quân sự phù hợp.

Trong xây dựng các tiềm lực quốc phòng nói trên, một vấn đề quan trọng là nắm vững và làm chủ quá trình chuyển hóa trạng thái của tiềm lực quốc phòng thành tiềm lực chiến tranh trong điều kiện chiến tranh xảy ra.

Trong điều kiện thời bình, các tiềm lực cấu thành sức mạnh quân sự quốc gia tồn tại dưới dạng tiềm năng, không tự thể hiện như một thực thể với những chỉ số xác định. Thêm vào đó, khi chiến tranh chưa xảy ra thì các bên tham chiến, tùy theo mục đích quân sự, quốc phòng, có thể khuếch trương hoặc che giấu sức mạnh quân sự thực sự của mình, nên hệ thống tiềm lực ấy càng khó đoán định. Tuy nhiên, dù dưới dạng thái tiềm tàng thì các tiềm lực tạo nên sức mạnh quân sự quốc gia vẫn luôn luôn liên hệ, tác động, xâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chính từ những mối liên hệ, tác động đó mà số lượng, chất lượng và vai trò của mỗi tiềm lực mới được hình thành, phát triển. Tiềm lực chính trị - tinh thần luôn giữ vai trò chủ đạo, đứng ở vị trí trung tâm của sức mạnh quân sự quốc gia, quyết định khuynh hướng phát triển cơ bản của mọi tiềm lực và toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia. Tiềm lực kinh tế - xã hội đóng vai trò nền tảng, cơ sở vật chất cho quá trình xây dựng và phát triển sức mạnh quân sự quốc gia. Tiềm lực khoa học - công nghệ cũng luôn đóng vai trò rất quan trọng không thể thiếu để tạo nên sức mạnh quốc phòng. Tiềm lực quân sự tuy là sản phẩm của các tiềm lực khác nhưng lại là chỉ số thể hiện trực tiếp nhất sức mạnh quốc phòng của một quốc gia trong thời bình, cũng như quy tụ tất cả các tiềm lực khác thành sức mạnh quân sự tổng hợp trong chiến tranh.

z5779242310262-7c73c2160fdaa180a49c8a25022c5244-1725030405.jpg
Lãnh đạo Bộ tư lệnh TP. Hồ Chí Minh trao đổi về công tác diễn tập. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Khi đất nước chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến thì sức mạnh quân sự quốc gia cũng bắt đầu được chuyển hóa một cách tổng thể từ trạng thái tiềm tàng sang trạng thái hiện hữu, bao gồm những nhân tố hiện thực trực tiếp quyết định tiến trình và kết cục của chiến tranh. Đương nhiên, nội dung, tính chất, tốc độ, cách thức chuyển hóa và kể cả khả năng tự bảo tồn của từng tiềm lực lại không hoàn toàn như nhau.

Tiềm lực chính trị - tinh thần có thể và cần phải chuyển hóa trước hết, và đây cũng là chỉ số thể hiện rõ nét nhất sức sống của chế độ chính trị - nhà nước trước thử thách của chiến tranh. Một quốc gia, dân tộc có thể vượt qua cú sốc lớn khi bước vào chiến tranh hay không, có thể trụ vững trước những âm mưu, thủ đoạn tiến công khốc liệt về mọi mặt của kẻ thù xâm lược hay không, trước hết là do có huy động, khơi dậy và làm cho toàn bộ những lợi thế về chế độ chính trị cùng những tố chất tinh thần của con người và cộng đồng dân tộc trở thành khối ý chí thép được hay không. Vì vậy, việc xây dựng tiềm lực quốc phòng cần phải tập trung làm cho cơ chế chuyển hóa tiềm lực chính trị - tinh thần này luôn thông suốt.

Vấn đề chuyển hóa tiềm lực kinh tế - xã hội từ trạng thái nền tảng, cơ sở vật chất tiềm tàng của sức mạnh quân sự quốc gia thành nhân tố hiện hữu phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực quân sự là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, yêu cầu mang tính chiến lược đối với tiềm lực kinh tế - xã hội lại đòi hỏi trước hết phải bảo tồn, đồng thời chuyển được toàn bộ nền tảng vật chất ấy sang điều kiện thời chiến. Khả năng huy động mọi nguồn lực kinh tế, nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu chiến tranh sẽ trở nên phi hiện thực nếu như không gắn liền với khả năng tiếp tục duy trì được nền sản xuất, các cơ sở kinh tế cốt tử, cũng như tổ chức tốt đời sống xã hội của người dân trong điều kiện chiến tranh. Đặc biệt, với những quốc gia tiến hành chiến tranh chống xâm lược, thường có tiềm lực kinh tế không mạnh bằng các nhà nước đế quốc, thì vấn đề tạo nguồn dự trữ chiến lược về kinh tế - xã hội để chuyển hóa dần dần, vững chắc thành sức mạnh kháng chiến trở nên hết sức có ý nghĩa.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-tiem-luc-quoc-phong-toan-dien-thoi-binh-giau-suc-song-va-chuyen-hoa-nang-dong-khi-chien-tranh-xay-ra-phan-3-a17145.html