Nhìn lại hành trình 7 năm qua các lục địa của người thanh niên Nguyễn Tất Thành

Con người ấy, mang tên Nguyễn Sinh Cung, rồi Nguyễn Tất Thành đã trải một tuổi thơ vất vả vào những năm kết thúc thế kỷ XIX, và bước vào thế kỷ XX với một niềm khao khát lớn: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy...”. 

thaythanh1-1723993937.png
Tranh sơn dầu Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang giảng bài tại Trường Dục Thanh. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Chí hiếu học, và truyền thống hiếu học vốn là đặc trưng của người xứ Nghệ. Học để thoát cái đói, nghèo, vì mảnh đất quê quá ư cằn cỗi, khắc nghiệt. Học để lập nghiệp, làm quan, vươn lên một tầng lớp khác, thoát khỏi kiếp chân lấm tay bùn. Cái học đó dĩ nhiên là có truyền thống ở cậu bé Nguyễn Sinh Cung - người mà cả hai bên nội - ngoại đều thuộc dòng chân Nho. Anh được thừa hưởng cái vốn học từ trong gia đình, mà ngay cả bà nội, bà ngoại và mẹ, bất chấp đạo lý “nữ nhân nan hóa”, cũng là người giỏi chữ.

Anh lại được dạy dỗ và tiếp xúc với những bậc thầy giỏi trong “tứ hổ” của Nam Đàn: “Nhất Sắc, nhì San, tam Lương, tứ Quý”. Nhưng lại có khác truyền thống, mục tiêu đèn sách anh chọn không còn là sự vinh thân, phì gia. Mà là cứu nước. Một trí tuệ minh mẫn đã hé cho anh thấy, qua bao thất bại của các văn nhân, trí thức, ngay một vĩ nhân có hoài bão và chí lớn như Phan Bội Châu cũng là bất cập và bất lực. Anh phải tìm một con đường khác. Phía chân trời đang le lói một ánh sáng, và anh quyết tâm đi tìm nó. 

Đòi hỏi cấp bách của lịch sử lúc này là một trí tuệ cách mạng (còn tình cảm cách mạng thì nhiều bậc tiền bối của anh đều có dư thừa), như một sản phẩm của thời đại. Sự khép kín trong thành cao hào sâu (mà cao, sâu nào có hiệu lực gì trước chiến thuyền và súng đạn Tây dương), hoặc việc tìm đường Đông du đều là vô hiệu. Phần trống thiếu ngay ở những đầu óc tiêu biểu nhất, như Phan Bội Châu, do hạn chế của lịch sử và bản thân - đó là tri thức cách mạng kiểu mới, là sự phân tích gốc rễ và thực chất những nỗi khổ, khi đã biết bản thân nỗi khổ; là sự phân tích kẻ thù từ chính sào huyệt kẻ thù. 

thaythanh3-1723993937.png
Các đoàn học sinh, sinh viên tham quan nghe thuyết minh tại trường Dục Thanh. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tuổi 13 đã bắt đầu một cuộc đi, kể cũng là quá sớm cho một thiếu niên khát khao hiểu biết; và là một sự hiểu biết không chỉ muốn vươn ra khỏi biên giới của lũy tre làng mà là cả chân trời Tổ quốc. Cuộc hành trình đưa anh về phương Nam, làm học trò trường Quốc học Huế, rồi người thầy ở trường Dục Thanh. Là học trò, hoặc thầy trên ba loại chữ: Hán, Pháp, và Quốc ngữ, anh vẫn phải tự nuôi mình bằng lao động chân tay. Sự lao động chân tay này sẽ cho anh một vốn kiến thức gắn với thực tiễn, với cái vốn hiểu về con người, ngay từ những con người cụ thể, và là con người không phải chỉ của một xứ sở. Đến với trường Bách nghệ, nhưng không phải để thành nghề.

Rồi ba tháng sau, bước vào tuổi hai mươi, anh bắt đầu một cuộc hành trình vĩ đại - nếu có thể nói như vậy. Cuộc hành trình khác với tất cả các bậc tiền bối, và những người đồng thời, về độ dài, và về những gian lao, thử thách. Và cuộc chia tay với người thân đã diễn ra ở phía Nam, nơi không có những cột mốc biên ải (như cuộc chia tay giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh gần năm thế kỷ trước), mà chỉ có tiếng còi tàu và hơi gió mặn của đại dương. 

ky-niem-110-nam-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-1jpgpagespeedceiatohbdvq-1723993935.jpg
Ngày 6/5/1911 Nguyễn Ái Quốc rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Báo Quân khu 5

Một cuộc hành trình kéo dài bảy năm trên các đại dương, đến những miền xa nhất của các lục địa; và phần đất châu Âu, ngay “mẫu quốc”, một trong những nơi phát tích của chủ nghĩa tư bản quốc tế, và là sào huyệt của chủ nghĩa thực dân hiện đại, cũng chính là cội rễ của những đau khổ và bi kịch phương Đông sẽ là nơi anh dừng chân. 

Cần nhìn kỹ lại cuộc hành trình bảy năm ấy, qua các đại dương, trên nhiều lục địa, vì vào thời điểm Nguyễn Tất Thành ra đi cũng đã có nhiều cuộc ra đi khác; trên đất Pháp, vào thập niên ấy cũng đã có nhiều người Việt Nam cư ngụ. Nhưng tất cả, không ai ngoài anh, đã ghé chân nhiều nơi như thế, và đã có quyết tâm và kiên trì đến thế, chỉ một mục tiêu: Cứu nước.

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhin-lai-hanh-trinh-7-nam-qua-cac-luc-dia-cua-nguoi-thanh-nien-nguyen-tat-thanh-a17142.html