Hiến kế tuyển sinh cho các trường Cao đẳng trước áp lực Đại học

Việc các trường Đại học tăng cường chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét học bạ trung học phổ thông với mức điểm chuẩn khá thấp đã tạo điều kiện dễ dàng cho thí sinh trúng tuyển. Điều này, kết hợp với tâm lý chuộng học Đại học vốn phổ biến trong đa số học sinh và phụ huynh, đã dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường Cao đẳng.

img-1655253502811-1655254234300-scaled-1723947910.jpg
Giờ thực hành Lắp ráp và cài đặt máy tính của sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Kiên Giang. Ảnh: Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống

Nỗ lực đa dạng hóa đối tượng tuyển sinh

Nhằm đối phó với những thách thức hiện tại, nhiều trường Cao đẳng đã áp dụng các biện pháp đa dạng hóa đối tượng tuyển sinh và tăng cường công tác truyền thông. Trường Cao đẳng Kiên Giang là một ví dụ điển hình. Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ rằng trường không chỉ tập trung vào tuyển sinh các thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào hệ Cao đẳng mà còn đẩy mạnh tuyển sinh ở trình độ Cao đẳng 9+ và trung cấp, hướng đến đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Đây là nguồn tuyển sinh tiềm năng, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới nhờ vào công tác phân luồng giáo dục ngày càng hiệu quả.

Trường Cao đẳng Kiên Giang hiện đang triển khai 26 ngành đào tạo ở trình độ Cao đẳng, cùng với 15 ngành ở trình độ Cao đẳng 9+ (hệ trung cấp). Các ngành này thuộc nhiều lĩnh vực như Công nghệ kỹ thuật, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Du lịch - Khách sạn, Ngoại ngữ, Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm. Đáng chú ý, nhà trường còn áp dụng mức giảm học phí lên đến 70% cho 10 ngành học nhằm thu hút thí sinh.

Ngoài ra, nhà trường đã sớm triển khai các hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Thành phố Rạch Giá và mở rộng ra các huyện trong tỉnh. Các nhóm cán bộ giảng viên của trường được cử đến các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở để tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp, giúp học sinh hiểu rõ hơn về các chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Hướng đi mới và sự cần thiết thay đổi nhận thức

Không chỉ riêng Trường Cao đẳng Kiên Giang, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Theo thầy Nguyễn Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đã chủ động báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho ngành giáo dục mầm non. Tuy nhiên, do nhu cầu địa phương về đào tạo sinh viên ngành này tương đối thấp, chỉ tiêu tuyển sinh liên tục giảm qua các năm, từ 323 chỉ tiêu năm 2021 xuống chỉ còn 45 chỉ tiêu năm 2024.

dak-lak2-30821-1723948070.jpg
Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Để thu hút thí sinh, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tuyển sinh thuộc Phòng Đào tạo - Bồi dưỡng, tăng cường quảng bá, tư vấn và truyền thông về công tác tuyển sinh. Trường cũng chủ động liên hệ với các trường trung học phổ thông và các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của các thí sinh về khối ngành giáo dục mầm non.

Nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo cơ hội việc làm

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã thực hiện nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Theo thầy Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc, trường không chỉ tư vấn kỹ lưỡng cho thí sinh về lựa chọn ngành nghề và mục tiêu học tập mà còn hỗ trợ đăng ký nhu cầu việc làm trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp. Trường đã thiết lập liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và tập đoàn trong nước và quốc tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên.

Sinh viên có thể lựa chọn làm việc trong nước hoặc quốc tế tùy theo năng lực và mong muốn cá nhân. Đối với những sinh viên muốn làm việc trong nước, trường kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp trải nghiệm, thực tập và đào tạo với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng. Sinh viên có ý định làm việc ở nước ngoài được tư vấn định hướng và kết nối với các đối tác quốc tế. Từ năm 2024, trường sẽ triển khai chương trình thực tập tại Nhật Bản cho sinh viên năm 2, giúp họ học hỏi kiến thức và kỹ năng quốc tế để áp dụng trong công việc sau này.

Để thu hút thí sinh vào học Cao đẳng, các trường không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng đào tạo mà còn cần sự thay đổi nhận thức từ xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Theo thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, để đạt được điều này, cần có sự chỉ đạo và phối hợp từ Chính phủ, các Bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương, các cơ sở giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông.

Lương Đàm (Tổng hợp)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hien-ke-tuyen-sinh-cho-cac-truong-cao-dang-truoc-ap-luc-dai-hoc-a17135.html