Mùa Vu Lan - mùa của đạo hiếu và sự tri ân

Ngày lễ Vu Lan diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm. Đây là dịp để mỗi người trong chúng ta suy ngẫm về lòng hiếu nghĩa, báo ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Mùa Vu Lan báo hiếu từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá lan toả những giá trị vô giá về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về lòng hiếu thảo của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Chuyện ghi lại rằng, bà Thanh Đề (mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên) là một người người tham lam, có lối sống xa hoa, lãng phí, gây ra nhiều tội lỗi nặng nề. Sau khi mẹ qua đời, Mục Kiền Liên một lòng thành tâm theo Phật và trở thành một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật. Vì luôn tưởng nhớ đến người mẹ quá cố của mình, ngài đã dùng phép thần thông tu luyện được để tìm mẹ ở khắp các cõi từ cõi trời đến địa ngục. Ngài thấy mẹ mình bị đày xuống tầng địa ngục và trở thành một ngạ quỷ, bà đang phải chịu đói khát triền miên, đau khổ khốn cùng. Thương mẹ, Mục Kiền Liên mang cơm xuống địa ngục dâng cho mẹ nhưng vì nghiệp chướng của bà Thanh Đề quá nặng nề, khi thức ăn đưa lên miệng bà đã hoá thành lửa đỏ. 

Thấy vậy, Mục Kiền Liên lập tức quay về cầu cứu Đức Phật. Đức Phật đã chỉ dạy rằng: “Dù ông có thông tuệ đến đâu, ông cũng không thể cứu mẹ mình một mình. Chỉ có sự hợp lực của chư tăng trong mười phương trời mới có thể giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cúng dường cho các chư tăng, vì vậy hãy làm vào ngày đó”.  

Làm theo lời dạy của Đức Phật, Mục Kiền Liên cuối cùng đã nhờ các chư tăng giải thoát được cho mẹ mình từ tầng địa ngục về cõi trời. Phật dạy chúng sinh ai muốn báo hiếu cha mẹ đều có thể làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan - ngày hiếu đạo ra đời.

img-8946-1723887139.jpeg
Vu Lan báo hiếu là nét đẹp văn hoá lan toả đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam

Trong tâm thức của người Việt, nhắc tới Vu Lan, là nhắc tới hiếu hạnh, là mùa của sự tri ân. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo và tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành đối với tổ tiên. Nói đúng hơn, lễ Vu Lan hướng tâm thức của mỗi người về với cội nguồn của chính mình, nhắc nhở chúng ta luôn luôn ghi nhớ công lao trời biển của cha mẹ. Hãy luôn biết ơn và trân trọng những gì mình đang có, sống chậm lại để cảm nhận được rằng không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của mẹ cha. 

img-8943-1723887030.jpeg
Không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ

Vào ngày này các gia đình thường chuẩn bị những mâm lễ cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên để tri ân đến các bậc bề trên đã phù hộ cho gia đình sức khoẻ và bình an. Các món ăn trên mâm cúng không bắt buộc theo một quy tắc nào cả, tuỳ theo điều kiện của từng gia đình hoặc đơn giản chỉ là các món yêu thích của ông bà, tổ tiên khi còn sống. Người xưa đã dạy “lễ bạc tâm thành”, vì vậy trên mâm lễ cúng chẳng cần “sơn hào hải vị” mà chỉ cần thành tâm, hành thiện mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng của ngày Rằm tháng Bảy.

img-8947-1723887155.jpeg
“Lễ bạc thành tâm” - trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng của ngày Rằm tháng Bảy

Đại lễ Vu Lan không chỉ mang ý nghĩa về sự tri ân của mỗi cá nhân đối với những bậc sinh thành. Nói rộng hơn, đó là sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa trong xã hội, trong cộng đồng. Đó có thể là tình yêu với quê hương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương, đùm bọc đồng bào. Bài học về lòng hiếu hạnh không những nâng đỡ giá trị tinh thần của mỗi cá nhân mà còn góp phần nâng cao giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc Việt Nam./.

Mạnh Sáu

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/mua-vu-lan-mua-cua-dao-hieu-va-su-tri-an-a17133.html