Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối năm 2023 đã ban hành một sắc lệnh hành pháp có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đánh dấu nỗ lực tham vọng nhất của Nhà Trắng nhằm kiểm soát ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ này cũng như ứng dụng của nó trong cuộc sống thường ngày. Nỗ lực thiết lập một hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp AI lần này là bước tiến đột phá, có thể giúp nước Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu trong một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược và liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia.
Giống như vòng đời của một chiếc xe hơi, hiệu quả của các quy định trong sắc lệnh mới về công nghệ này chắc chắn sẽ giảm theo thời gian bởi sự phát triển quá nhanh chóng của ngành công nghiệp AI. Tuy nhiên, những cải cách liên quan đến nhập cư trong sắc lệnh cho thấy quyết tâm dài hơi của Nhà Trắng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động vốn đang được coi là cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia cấp bách của Mỹ hiện nay.
Theo số liệu thống kê, hiện Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao ngày càng trầm trọng do sự thay đổi nhân khẩu học. Đến năm 2030, ước tính có khoảng 21% người Mỹ trên 65 tuổi, trong khi dân số trong độ tuổi lao động tăng chậm. Thực trạng này gây ảnh hưởng đối với cả nền kinh tế và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Lĩnh vực quốc phòng đang gặp thách thức lớn trong công tác tuyển dụng khi 80% công ty công nghiệp quốc phòng cho biết việc tìm kiếm nhân viên thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) hiện rất khó khăn. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo nếu không được giải quyết sớm được vấn đề, nước Mỹ sẽ không thể duy trì vị trí dẫn đầu thế giới, thậm chí không đủ khả năng đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghệ quan trọng như AI.
Để đối phó với thách thức, sắc lệnh hành pháp của ông Biden đưa ra những quy định nhằm mục đích định hình lại các chính sách thị thực của Mỹ, qua đó nâng cao tính cạnh tranh bằng cách tạo điều kiện hơn cho người nhập cư, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực STEM và các lĩnh vực công nghệ quan trọng như: đơn giản hóa việc gia hạn thị thực cho sinh viên và chuyên gia quốc tế; hiện đại hóa các quy định mới về thị thực H-1B cũng như thị thực diện trao đổi- giao lưu văn hóa J-1; thiết lập Chương trình thu hút nhân tài AI toàn cầu và có thể sửa đổi danh sách Mục lục A của các các ngành nghề được xác định thiếu hụt nhân lực để cấp thẻ xanh.
Việc chính quyền Biden đơn giản hóa quy trình cấp thị thực cho những người lao động có chuyên môn đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên chính quyền không nên chỉ tập trung vào những nhóm nhân lực liên quan đến AI mà cần tạo điều kiện cho nhân tài ở mọi lĩnh vực.
Để phát huy tối đa tiềm lực trong việc tăng cường an ninh quốc gia cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng các ngành công nghiệp trong nước, Mỹ phải tiếp tục mở các cơ hội mới cho người nhập cư có tay nghề cao trong tất cả các lĩnh vực. Một tổ chức chuyên nghiên cứu về an ninh quốc gia và nhập cư hàng đầu của Mỹ mới đây đã đưa 5 biện pháp liên quan đến chính sách nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền an ninh nước này:
Thứ nhất, tăng hạn ngạch visa H-1B hàng năm. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 700.000 người có trình độ học vấn cao không xin được thị thực H-1B vào Mỹ để làm việc. Loại thị thực này dành cho người lao động có kỹ năng chuyên môn cao, với hạn ngạch hằng năm không thay đổi bất chấp nhu cầu thị trường. Để có được thị thực H-1B, người lao động phải được các nhà tuyển dụng Mỹ bảo lãnh. Trong năm 2023, chỉ khoảng 110.000 thị thực đã được cấp trong số gần 760.000 hồ sơ đăng ký đủ điều kiện. Do đó, hạn ngạch thị thực cần được tăng lên đáng kể nếu Mỹ không muốn đánh mất nguồn nhân tài này vào tay các quốc gia cạnh tranh khác.
Biện pháp thứ hai nhằm bổ sung lực lượng lao động chất lượng cao cho Mỹ là tăng cơ hội cho sinh viên nước ngoài học tập tại Mỹ ở lại sau khi tốt nghiệp; cho phép sinh viên theo học các ngành STEM sinh ra ở nước ngoài nộp hồ sơ xin thẻ xanh từ khi chưa tốt nghiệp.
Thứ ba, chính quyền Mỹ nên mở rộng danh sách các loại công việc theo Danh mục A của Bộ Lao động Mỹ. Danh mục A cần được cập nhật và bổ sung để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược như quốc phòng, công nghệ then chốt, chuỗi cung ứng…
Thứ tư, nhà chức trách Mỹ cũng cần nghiên cứu mở rộng Chương trình miễn trừ thủ tục vì lợi ích quốc gia (National Interest Waivers) đối với loại thị thực EB-2 (Chương trình này không yêu cầu người nước ngoài có trình độ cao xin nhập cư phải có công ty hoặc nhà tuyển dụng bảo lãnh. Thay vào đó, ứng viên phải chứng minh rằng việc nhập cư của họ sẽ mang lại lợi ích quốc gia cho Mỹ) trong các lĩnh vực quan trọng để phục vụ việc đảm bảo an ninh quốc gia. Tương tự, Bộ Quốc phòng có thể khôi phục chương trình MAVNI (Chương trình tuyển dụng cần thiết cho quân đội vì lợi ích quốc gia), mở ra cơ hội cho những người nhập cư có trình độ cao được phục vụ trong quân đội.
Cuối cùng, những người nộp hồ sơ theo diện DACA (Chương trình trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ) và những người thực sự có “giấc mơ Mỹ" nên được trao cơ hội sở hữu thị thực dài hạn và trở thành công dân Mỹ. Đến Mỹ từ khi còn nhỏ, họ có thể đã trở thành những công dân có ích, hòa nhập tốt với xã hội và mong muốn phục vụ nước Mỹ. Trao cho họ thị thực dài hạn là trao cơ hội để họ trở thành những người đóng góp tốt cho xã hội Mỹ.
Không giống như các vấn đề nóng liên quan đến an ninh quốc gia khác, lưỡng đảng Mỹ đang bày tỏ sự đồng thuận mạnh mẽ về việc cần thiết phải ban hành những quy định hợp lý, hiệu quả cho những ngành công nghệ quan trọng như AI. Nhưng nếu không có đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ kỷ nguyên công nghệ mới và có ảnh hưởng lớn này, Mỹ khó có thể hiện thực hóa mục tiêu chung. Đã đến lúc Mỹ cần đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tận dụng kỹ năng chuyên môn quý giá của lực lượng người nhập cư để xây dựng tương lai.
Nguyễn Hoàng (Theo The Hill)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quan-tri-nhan-luc-bai-toan-nan-giai-cua-my-trong-trong-thoi-dai-ai-a17105.html