Giúp học sinh đạt điểm Ngữ Văn đánh giá đúng năng lực

Sự đổi mới trong phương pháp dạy học và kiểm tra môn Ngữ Văn đang thu hút sự quan tâm của học sinh và giáo viên. Đề thi sẽ không còn chỉ dựa vào sách giáo khoa mà có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách, điều này tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho cả học sinh và giáo viên.

tap-trung-nghe-thay-co-giang-1723347178.jpg
Một tiết học Ngữ Văn. (Ảnh: Internet)

Những thay đổi trong dạy và học

Theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT, nội dung thi Ngữ văn từ năm 2025 sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, mở rộng sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Điều này đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cách dạy và học môn Ngữ văn. Việc này tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực và sáng tạo hơn, đồng thời yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra.

Với học sinh trường trung học phổ thông chuyên Văn, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được cho là có tác động tích cực. Học sinh chuyên Văn, vốn đã quen với việc học sâu và rộng, sẽ có nhiều cơ hội để phát huy năng lực của mình hơn. Theo cô Đỗ Thị Thúy Dương, Tổ phó Tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu, việc dạy và học theo chương trình mới khá thuận lợi vì học sinh đã quen với việc học phong phú và đa dạng.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, cho biết việc dạy học môn Ngữ văn hiện đang chuyển biến từ phương pháp truyền thống sang việc trao quyền chủ động cho học sinh. Giáo viên đóng vai trò hướng dẫn và khơi gợi, còn học sinh phải chủ động tìm kiếm và áp dụng kiến thức để phát triển năng lực.

Những lợi thế và thách thức đối với bộ môn Ngữ Văn

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh chuyên Văn. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị, cho biết chương trình mới giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học và tự cảm thụ văn bản, từ đó phát huy năng lực ngôn ngữ và sự sáng tạo.

Dù có nhiều lợi thế, việc áp dụng chương trình mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho giáo viên. Cô Nguyễn Thị Hà Thu nhấn mạnh rằng việc thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học cần có một lộ trình cụ thể. Giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình, tăng cường trao đổi chuyên môn và xây dựng các giờ dạy minh họa để đảm bảo hiệu quả giảng dạy.

Theo Cô Đỗ Thị Thúy Dương việc áp dụng phương pháp kiểm tra mới sẽ yêu cầu giáo viên có trình độ phân loại bài làm tốt hơn. Giáo viên cần được tập huấn sâu sát để nâng cao khả năng phân tích và đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT đánh dấu một bước quan trọng trong việc cải cách kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đặc biệt với môn Ngữ văn. Sự đổi mới này mở ra cơ hội cho học sinh chuyên Văn thể hiện năng lực tốt hơn, đồng thời đặt ra thách thức cho giáo viên trong việc áp dụng chương trình mới hiệu quả. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực không ngừng, cả học sinh và giáo viên đều có thể thích ứng và tận dụng tối đa những lợi thế của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lương Đàm (Tổng hợp)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/de-diem-ngu-van-danh-gia-dung-nang-luc-hoc-sinh-a17076.html