Chủ trì Hội thảo có GS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình; PGS.TS. Nguyễn Thắng Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận Chính trị; PGS.TS. Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng trường Đại học Thái Bình.
Tại Hội thảo, 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo thực tiễn, các chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp,... đã được đưa ra bàn luận, xoay quanh các vấn đề về: 1. Lý luận chung của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng phát triển nguồn nhân lực; những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng; 2. Những yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hiện nay; 3. Đánh giá thực trạng xây dựng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng; 4. Đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng.
Đứng trước xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng sâu rộng và vấn đề cạnh tranh kinh tế vẫn diễn ra quyết liệt đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi địa phương phải dành cho mình ưu thế trong cuộc cạnh tranh. Một trong số đó là phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với nhiều lợi thế như: có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa; vùng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác; có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội;... vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và ở tỉnh Thái Bình nói riêng rất được chú trọng, quan tâm.
Tỉnh Thái Bình nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, là địa phương có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, tỉnh có 2 trường đại học lớn là trường Đại học Y dược Thái Bình và trường Đại học Thái Bình.
Phát biểu về công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn lực KH-CN tại trường Đại học Thái Bình, PGS.TS. Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; nghiên cứu, triển khai và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng chứng là thông qua việc: Nhà trường đã nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đối với phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên thông qua việc hợp tác với các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế để tạo điều kiện cho giảng viên đăng bài báo khoa học, mở các lớp học nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ quản lý, giảng viên trong trường.
Đặc biệt, trường rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện từ vật chất đến tinh thần cho giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.” - theo ông Phạm Quốc Thành.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thời gian vừa qua, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng nói chung đã đạt được những kết quả nhất định: Số lượng lao động lớn nhất cả nước; chất lượng lao động ngày càng được cải thiện, số lao động có chứng chỉ, bằng cấp tăng; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng hiện đại và là trung tâm về đào tạo nhân lực của cả nước.
Kết luận Hội thảo, hầu hết các đại biểu, khách mời đều nhất trí cho rằng: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng là công việc rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và của cả doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, cần quan tâm của các cấp, các ngành cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đồng thời các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trong khu vực cần thay đổi trong tư duy, chiến lược, trách nhiệm, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Hương Trà