Những điều ít biết về mô hình quốc phòng theo phân công lực lượng

Ở Việt Nam hiện nay, chủ thể quốc phòng là toàn dân, bao gồm tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, do các lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Chính vì vậy, mô hình quốc phòng còn được định lập theo phân công lực lượng, bao gồm lực lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị, lực lượng các tổ chức xã hội và cộng đồng cư dân, lực lượng vũ trang.

z5603783884911-33e62242c4b122cc47906fb82e53f407-1722440421.jpg
Bộ đội Trung đoàn Gia Định thực hành bắn đạn thật. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Mô hình theo phân công lực lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị về thực chất là mô thức hóa vai trò và trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị khác như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đối với lĩnh vực quốc phòng. Hệ thống chính trị quyết định đường hướng phát triển và tổ chức hoạt động của quốc phòng. Song, sự phát triển bền vững của bản thân quốc phòng cũng như hiệu quả của nó trong giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình, bảo đảm phát triển bền vững các lĩnh vực đời sống xã hội, trước hết thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở. Hệ thống chính trị chỉ xứng đáng là chủ thể quốc phòng khi làm cho quốc phòng thực sự đem lại lợi ích cả hữu hình và phi hữu hình cho người dân.

Mô hình theo phân công lực lượng các tổ chức xã hội và cộng đồng cư dân phản ánh chủ thể cao nhất xét đến cùng của quốc phòng Việt Nam chính là người dân. Người dân định nền quốc phòng, chiu chắt công sức, tài sản để nuôi dưỡng nguồn lực quốc phòng và quốc phòng chỉ có giá trị khi báo hiếu trở lại người dân bằng gìn giữ hòa bình, giành chiến thắng trong chiến tranh, phục vụ hiệu quả cho phát triển bền vững. Đó chính là chân giá trị của quan điểm quốc phòng toàn dân. Hơn nữa, các tổ chức xã hội và cộng đồng cư dân không chỉ thuần tuý đứng ở vị thế chủ thể pháp định, mà còn trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ quốc phòng theo mô hình phân công lực lượng. Đối với quốc phòng thời bình thì các tổ chức xã hội và người dân có trách nhiệm đóng góp xây dựng, khi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra thì thực hiện toàn dân đánh giặc.

Mô hình theo phân công lực lượng vũ trang là điểm chốt trong mô hình quốc phòng theo phân công lực lượng, bởi lực lượng vũ trang luôn là nòng cốt của quốc phòng, được sinh ra và nuôi dưỡng, trang bị để chuyên trách đảm nhiệm công tác quốc phòng. Lực lượng vũ trang trong nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam hiện nay được phân định khái quát gồm lực lượng quân đội và lực lượng dân quân tự vệ. Điều quan trọng là đã có sự phân công lực lượng thì có cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng một cách đồng bộ, có hiệu lực và đạt hiệu quả, tránh chồng chéo, làm thay hoặc bỏ mặc, đùn đẩy trách nhiệm. Để thực hiện điều đó, Đảng và Nhà nước đã xây dựng những quy định cụ thể của Luật Quốc phòng.

Mô hình theo kết hợp các nhiệm vụ là việc tổ chức các đơn vị, cơ quan, các lực lượng có chức năng kết hợp các nhiệm vụ kinh tế - xã hội với quốc phòng. Thực tiễn cho thấy, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng nói riêng và bảo đảm quốc phòng cho phát triển bền vững kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung là một chủ trương đúng đắn cho phép phát huy vai trò của các đơn vị, nhất là đơn vị quân đội. Các mô hình binh đoàn kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế đã phát huy tác dụng, hiệu quả trong bảo đảm quốc phòng cho phát triển bền vững kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều địa bàn. Tiêu biểu là Binh đoàn 15, trong thực hiện nhiệm vụ, Binh đoàn đã sáng tạo trong xây dựng các mô hình “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”. Các mô hình nói trên đã định hình và phát huy hiệu quả, cần tổng kết kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng, phát triển, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân đáp ứng đòi hỏi của vấn đề chiến tranh và hòa bình hiện nay.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-mo-hinh-quoc-phong-theo-phan-cong-luc-luong-a16930.html