Nguyên nhân ngày càng ít sinh viên theo học ngành Địa chất học

Ngành Địa chất học, mặc dù có truyền thống đào tạo lâu đời tại Việt Nam với các trường đào tạo như trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội... đang chứng kiến sự giảm sút về số lượng sinh viên theo học.

12-768x432-1722131783.jpg
Sinh viên ngành Địa chất học thực hành trên các thiết bị nghiên cứu hiện đại. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Thiếu thông tin và định hướng nghề nghiệp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, Phó trưởng khoa Địa chất, cho biết ngành Địa chất học đã tồn tại từ năm 1966, nhưng gần đây, các ngành học mới nổi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội đang thu hút nhiều sinh viên hơn. Các ngành như Địa lý, Môi trường hay Khí tượng được coi là ít vất vả và có tương lai nghề nghiệp rõ ràng hơn so với ngành Địa chất học, vốn bị hiểu lầm là phải làm việc ở những khu vực xa xôi, khó khăn.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, một trong những lý do chính khiến sinh viên không chọn ngành Địa chất học là do thiếu thông tin về ngành, dẫn đến khó hình dung được nội dung học và cơ hội việc làm. Điều này tạo nên tâm lý e ngại, đặc biệt khi ngành Địa chất học có liên quan đến nhiều môn học khó như Toán học, Vật lý, và Hóa học.

Mặc dù vậy, nhu cầu nhân lực trong ngành Địa chất học vẫn rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, hoặc tiếp tục học sau đại học với các học bổng nước ngoài. Công việc trong ngành bao gồm khảo sát địa chất, khai thác khoáng sản, kiểm định đá quý, đánh giá tác động môi trường, và quản lý thiên tai.

Đổi mới chương trình đào tạo

Để phù hợp với nhu cầu xã hội và thị trường lao động, chương trình đào tạo ngành Địa chất học đã nhiều lần được điều chỉnh. Gần đây nhất là vào năm 2023, các khối kiến thức vệ tinh đã được bổ sung, và mức độ khó của các môn học cơ bản được giảm thiểu. Thời lượng thực hành trong phòng thí nghiệm và thực tế cũng được tăng cường để giúp sinh viên có kỹ năng thực tiễn tốt hơn.

9-768x1024-1722131937.jpg
Sinh viên đi thực tập môn Địa chất đại cương ngoài trời. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Địa chất học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội còn nhận được nhiều hỗ trợ về học bổng từ nhà trường, các doanh nghiệp, và các quỹ học bổng quốc tế. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ thầy cô và kết nối với cựu sinh viên cũng giúp sinh viên hiện tại vượt qua khó khăn và đạt được kết quả tốt trong học tập.

Dù vậy, để tạo lợi thế sau khi ra trường, sinh viên ngành Địa chất học cũng cần chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp, nâng cao kiến thức ngoại ngữ và tin học. Kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên dụng liên quan đến viễn thám và mô hình 3D là rất cần thiết trong thời đại công nghệ số.

Lương Đàm (Tổng hợp)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguyen-nhan-ngay-cang-it-sinh-vien-theo-hoc-nganh-dia-chat-hoc-a16919.html